Dù thích Tesla hay không, các công ty xe hơi vẫn phải chứng kiến những bước đi táo bạo mà hãng xe của Musk thực hiện trong những năm qua. Từ chiếc sedan Model 3 bán chạy nhất phân khúc xe điện tại Mỹ, Model S tăng tốc từ 0-100 km/h trong 2,4 giây - không kém cạnh bất cứ một chiếc hypercar nào, đến gần đây nhất, bán tải Cybertruck nhận 150.000 đơn đặt hàng chỉ sau vài ngày ra mắt.
Thành công lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô Mỹ gọi tên Ford, khi Henry Ford tạo nên Model A năm 1903. Đây là mẫu xe đầu tiên trên thế giới áp dụng quy trình sản xuất theo dây chuyền hàng loạt. Kể từ đó, xe hơi không còn là sản phẩm xa xỉ. Hơn 100 năm sau, Ford vẫn là hãng xe hàng đầu thế giới nhưng không còn thành công nhất của xe hơi Mỹ. Danh hiệu đó được trao cho Tesla.
Tesla - mối đe dọa các hãng xe truyền thống
Năm 2018, Tesla giao 245.240 xe tới tay khách hàng, đứng số một thế giới ở phân khúc xe hơi cắm sạc (plug-in car) với 12% thị phần. Riêng ở Mỹ, Tesla bán 182.400 xe năm ngoái, tăng 280% so với 2017. Riêng Model 3 bán gần 146.000 xe, trở thành mẫu xe sang bán chạy nhất ở Mỹ 2018. Những mẫu xe sang có doanh số cao khác như Mercedes GLC bán gần 70.000 xe, Audi Q5 là 62.000 xe. Hồi tháng 3/2019, Elon Musk còn muốn tiến tới đóng cửa hết các showroom, chỉ bán ôtô qua mạng.
Ngân hàng Morgan Standley từng gọi Tesla là "công ty xe hơi quan trọng nhất thế giới." Thành lập từ năm 2004, sau 15 năm, ít ai tin rằng vốn hóa 60 tỷ USD của Tesla ngày nay đã gần gấp đôi Ford - hãng 116 năm lịch sử. Các nhà đầu tư kỳ vọng rất lớn vào tương lai của xe điện cũng như năng lượng sạch.
Sau kỷ nguyên xe hybrid được thương mại hóa bởi Toyota từ năm 1997, chưa bao giờ các hãng lại tập trung cho xe điện nhiều như hiện nay. Các hãng xe truyền thống không thể đứng nhìn Tesla "cô đơn" một mình. Trước khi có Tesla, các hãng xe sang chỉ tập trung vào những mẫu xe sang trọng nhất và xa xỉ nhất, miễn là khách hàng giàu có thích chúng. Các hãng xe bình dân thì tập trung cho hybrid, crossover, xe cỡ nhỏ, cố gắng làm chúng trở nên tiết kiệm nhiên liệu bằng cách đáp ứng những tiêu chuẩn khí thải cao nhất ở từng thị trường. Nhưng đó vẫn không phải xe thuần điện. Lúc Tesla xuất hiện, mọi thứ thay đổi.
Roadster, mẫu xe đầu tiên ra mắt vào 2008 được trang Car and Driver đánh giá không chỉ là xe thể thao mà còn là một trong những mẫu xe mạnh nhất trên thị trường. Tới 2013, danh hiệu "Xe hơi của năm" do tạp chí Motor Trend bình chọn không gọi tên những BMW series 7 hay Mercedes S-class quen thuộc, năm ấy Tesla Model S mới là người chiến thắng.
Trong lúc các hãng xe truyền thống còn đang loay hoay tái cấu trúc và dịch chuyển sản xuất tập trung cho những chiếc xe gầm cao để chạy theo xu hướng tiêu dùng toàn cầu, chiếc sedan "giá rẻ" Model 3 ra đời, với mức giá từ 35.000 USD, di chuyển được quãng đường 520 km sau mỗi lần sạc. Cả ngành công nghiệp ôtô thức tỉnh, để bước vào cuộc đua xe điện, và cũng để thích ứng dần cho kỷ nguyên không nhiên liệu hóa thạch.
Là hãng tiên phong cho cuộc đua năng lượng mới, nhưng bên trong Tesla vẫn chứa đầy những rủi ro, đặc biệt trên báo cáo tài chính. Sau 15 năm thành lập, hãng xe của Musk lỗ nhiều hơn lãi, lợi nhuận có được trong một vài quý hiếm hoi gần đây "mỏng như dao cạo" so với số tiền hãng vẫn tiếp tục "đốt" để đầu tư cho các nhà máy tại Mỹ, Trung Quốc và tới đây là Đức.
Gần đây nhất vào tháng 5, Musk tuyên bố sẽ huy động thêm 2,3 tỷ USD vốn mới cho Tesla nhằm triển khai các dự án tiếp theo và phát triển các mẫu xe mới. Gã khổng lồ công nghệ vẫn đang là một start-up đúng nghĩa, bởi Tesla chưa thể tự nuôi sống mình, nếu cộng hết các khoản lỗ ròng lại từ khi thành lập. Nhưng lúc này, những nhà đầu tư mạo hiểm khó có thể tìm được công ty ôtô khởi nghiệp nào tốt hơn Tesla.
Musk - gã tỷ phú "điên"
Gây dựng Tesla là một trong những dự án "máu thịt" của Musk. Tỷ phú người Mỹ thường khiến người ta nhớ tới với những phát biểu và hành động điên rồ. Elon Musk sẵn sàng ngủ trên nền nhà máy để đốc thúc sản lượng cho Model 3 đạt tới ngưỡng 2.500 xe/tuần hồi đầu năm 2018, dù là người sáng lập kiêm CEO Tesla. Một thời gian dài ông phải điều trị bằng thuốc để có thể đi vào những giấc ngủ dễ dàng hơn. Sau những lùm xùm trong tuyên bố đưa công ty trở lại tư nhân hóa với giá 420 USD/cổ phiếu, Musk bị buộc thôi chức chủ tịch công ty trong vòng ít nhất 3 năm theo phán quyết của Uỷ ban chứng khoán Mỹ SEC.
Musk cũng không phải một người khéo léo trước truyền thông. Sự cố vạ miệng tư nhân hóa công ty nhấn chìm cổ phiếu Tesla suốt nhiều tuần lễ chỉ là một trong số phát ngôn thiếu kiểm soát của người đàn ông đứng đầu cả Tesla và Space X. Trước đó, trong ngày cá tháng 4, Musk còn tung tin rằng Tesla sẽ phá sản hay phải đổi kế hoạch sản xuất vì khó khăn tài chính. Thậm chí có lúc ông còn nổi hứng tới nỗi tuyên bố Tesla sẽ sản xuất nửa triệu xe trong năm 2019 để rồi sau đó phải đính chính lại. Những thông tin kiểu vậy được cho là rất nhạy cảm với giới đầu tư tài chính, khi thị trường chứng khoán sẽ ngay lập tức phản ứng với những lời nói từ địa vị như Musk, bất kể chúng ở trong hoàn cảnh nào.
2019 vẫn là một năm nhiều khó khăn của Elon Musk. Vài lần thử tên lửa Falcon không như ý muốn, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa hồi kết ảnh hưởng không nhỏ tới tương lai của nhà máy Tesla tại Trung Quốc hay gần nhất là sự cố chiếc kính xe Cybertruck rạn nứt ngay trong buổi lễ ra mắt. Musk không thể cuốn hút trên sân khấu như phù thủy Steve Jobs, ông vụng về "thanh minh" khi viên bi làm vỡ chiếc kính: "Ít nhất nó chưa xuyên qua, chúng tôi sẽ cần thêm thời gian để cải tiến."
Giới theo dõi rộ lên tin đồn rằng đó chỉ là một "chiêu trò" của Musk giúp chiếc Cybertruck trở nên nổi tiếng mà không cần mất một xu quảng cáo, bất chấp cổ phiếu Tesla lao dốc ngay sau đó. Số khác còn hài hước cho rằng Musk có dịp không thể tốt hơn để gom vào cổ phiếu Tesla với mức giá hời. Bất kể thực hư ra sao, màn ra mắt Cybertruck vẫn thành công ngoài mong đợi. Musk giúp Tesla bán chiếc xe có giá từ 39.900 USD như một món đồ công nghệ khiến khách hàng phải tò mò và quan trọng là họ quyết định "xuống tiền" khi còn chưa được chạm, điều thường chỉ thấy ở những siêu xe giới hạn số lượng. Còn với Tesla, con số đó là 150.000 và vẫn không ngừng tăng lên.
Tương lai của xe hơi gần như đã được định đoạt bởi sự phát triển của xe điện. Loại trừ những hãng xe có quy mô quá nhỏ, tất cả các hãng xe truyền thống đều bước vào cuộc đua "không phát thải" cho những thập kỷ sắp tới. Trái đất vừa trải qua 10 năm nóng nhất trong lịch sử, riêng 2019 nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,1 độ C so với trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Suốt một năm, 329 tấn băng tại Greenland tan chảy, mực nước biển cũng ghi nhận dâng cao kỷ lục. Ngành công nghiệp ôtô truyền thống sử dụng nhiên liệu hóa thạch chiếm một phần không nhỏ gây nên tình trạng này. Hơn bao giờ hết, Chính phủ các nước đang kêu gọi các hãng hành động để xóa bỏ hoàn toàn những chiếc xe tạo ra CO2.
Nếu một ngày trong tương lai các thành phố không còn nhiều khói bụi, có thể người ta sẽ luôn nhắc về những công ty tiên phong, trong đó có Tesla.
Thái Hoàng