Hãng xe Anh tận tưởng các mức doanh số kỷ lục trong vài năm qua và gần đây nhận đơn đặt hàng vượt quá kỳ vọng đối với mẫu SUV Cullinan. Tình hình kinh doanh với thương hiệu này dường như rất khả quan. Và với mức giá của các sản phẩm được bán ra, từ 314.000 USD đến cả triệu USD, có thể ai cũng nghĩ Rolls-Royce thừa sức tự "sống khỏe".
Tuy nhiên, theo chính người đứng đầu hãng, mọi thứ sẽ là không thể nếu không có sự trợ giúp từ BMW - hãng mẹ và cũng là người giám sát mọi hoạt động của Rolls-Royce. Lời thừa nhận từ Giám đốc điều hành Torsten Muller-Otvos giống như lời tri ân với thương hiệu xe Đức trước sự hỗ trợ từ tài chính tới công nghệ trong thời điểm các quy định về khí thải cũng như các tiêu chuẩn về an toàn ngày càng nghiêm ngặt, theo GoAuto.
"Tôi tự hào là một phần của BMW Group và tôi có thể nói rằng Rolls-Royce có thể đã chết nếu không có BMW Group. Chúng tôi có thể chẳng tồn tại nổi", Muller-Otvos bình luận. "Thương hiệu này, ý tôi là, những thương hiệu quý giá nhỏ bé này, có thể chết nếu không có nhà sản xuất linh kiện gốc (OEM) đầu tư kịp thời vào công nghệ rất tốn kém, nào là hệ thống lái bằng điện, lái tự động, và những gì bạn phải đáp ứng với mọi quy định trên toàn thế giới".
Nhưng tất nhiên, Rolls-Royce không đơn thuần là một BMW được đánh bóng và làm lại thương hiệu. Muller-Otvos cũng nhấn mạnh rằng những chiếc xe từ thương hiệu Anh quốc không bao giờ là những chiếc BMW được tùy chỉnh lại. Các mẫu siêu sang luôn giữ nguyên vẹn di sản và DNA của Rolls-Royce. Không gì quan trọng hơn cách một chiếc Rolls-Royce mang tới, từ cảm giác tới thực tế. Và "chỗ nào khách hàng không nhìn thấy, không chạm tới được, chúng tôi sử dụng công nghệ từ BMW Group", Muller-Otvos bổ sung.
Rolls-Royce thành lập năm 1904 với sự kết hợp của Charles Rolls và Henry Royce, đến năm 1907 ra mắt chiếc xe đầu tiên, mang tên 40/50 h.p, thuần túy đặt theo tính chất một chiếc xe có phiên bản 40, 50 mã lực. Năm 1971, do vướng vào những rắc rối xung quanh việc phát triển động cơ vũ trụ RB211 nên tình hình tài chính của Rolls-Royce xuống dốc thảm hại. Khi đó, chính phủ Anh chỉ bảo vệ bộ phận RR Aero Division và quốc hữu hóa toàn bộ công ty, trước khi giao cho nhà hãng quân đội Vickers năm 1980. Sau 17 năm không thể vực Rolls-Royce dậy, Vickers quyết định rao bán nhãn hiệu này cùng Bentley. Ngay sau khi tên tuổi Rolls-Royce và Bentley "lên sàn", 3 ông lớn của Đức gồm BMW, Volkswagen và Mercedes bắt đầu một cuộc đua nhằm sở hữu bằng được món hàng béo bở mà Vickers đang có. Năm 1998, Volkswagen giành được quyền sở hữu Bentley và một phần nhà máy Crewe, còn BMW mua Rolls-Royce. Mercedes thất bại hoàn toàn. Không chịu để hai đối thủ "múa rìu qua mắt thợ", Mercedes quyết định xây dựng lại thương hiệu Maybach để đối chọi với Bentley và Rolls-Royce. Thế nhưng, hai ông lớn BMW và Volkswagen còn cãi nhau vài năm sau đó mới có thể đi đến thống nhất. Sau 4 năm, tới 1/1/2002, BMW mới có thể danh chính ngôn thuận xuất xưởng chiếc Rolls-Royce đúng nghĩa lần đầu tiên, còn Volkswagen sản xuất Bentley. Từ khi mua Rolls-Royce đến khi có thể bán sản phẩm, BMW mất 4 năm rưỡi, chưa kể tới việc thiết kế và sản xuất mẫu mới Phantom. Lúc đó, BMW phải xây dựng hệ thống phân phối gồm 74 đại lý và 500 nhân viên làm việc trong nhà máy đặt tại Anh. Ngoài ra, tại trụ sở chính, BMW thiết kế và xây dựng những dịch vụ hoàn hảo nhất cho những vị khách từ khắp nơi trên thế giới tới đặt xe. Trong hơn 100 năm, số xe Rolls-Royce ra đời chỉ khoảng 100.000 chiếc nhưng giá trị luôn tăng dần theo thời gian. |
Mỹ Anh