Tại U.N Forum, diễn đàn thường niên về thương mại và các quyền lợi con người, 40 quốc gia dẫn đầu bởi Nhật Bản và các nước thuộc liên minh châu Âu EU, đồng thuận điều luật bắt buộc ôtô con và xe hơi thương mại bán ra từ 2020 tại các nước này phải có trang bị phanh khẩn cấp. Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ cũng tham gia diễn đàn nhưng không có quyết định tương tự, theo AP.
Phanh khẩn cấp (gọi tắt là AEB) là một trong nhiều trang bị an toàn trên xe hơi ngày nay. Hệ thống hoạt động nhờ các cảm biến, radar và được điều khiển bằng ECU máy tính trên xe hơi. Dữ liệu về khoảng cách người đi đường, ôtô phía trước, chướng ngại vật với xe hơi được thu thập. Hệ thống có khả năng tính toán cự ly an toàn, "phán đoán" tình huống và tự can thiệp phanh dù tài xế không tác động.
Việc xe tự động sử dụng phanh giúp ích nhiều cho tài xế trong những tình huống bất ngờ khi phản xạ con người không kịp so với tình huống diễn ra. Xe tự động phanh không những giảm nguy cơ va chạm, mà còn giảm đáng kể mức độ chấn thương của hành khách lẫn người đi đường khi sự cố xảy ra.
Theo nghiên cứu của cơ quan thử nghiệm an toàn châu Âu EuroNCAP và Australasian NCAP của Australia, hệ thống AEB giảm nguy cơ va chạm phía sau đến 38%. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu ước tính hệ thống này có thể cứu sống 1.000 người/năm chỉ tính riêng tại các quốc gia ở lục địa già.
Lợi ích từ phanh khẩn cấp mang lại là nguyên nhân chính khiến nhiều quốc gia yêu cầu các hãng xe phải có trang bị này. Theo điều luật được thông qua, hệ thống AEB ban đầu bắt buộc hoạt động cho dải tốc độ thấp, từ 60 km/h trở xuống. Chỉ xe mới bán ra trong 2020 mới cần phanh khẩn cấp là trang bị bắt buộc, những xe hiện hành không phải "độ" khi chưa có.
Phạm Trung