Cuộc đua doanh số xe bán ra của ngành bốn bánh trong 2019 khép lại với những trật tự mới, cũ được thiết lập. Toyota Vios, Ford Ranger, Hyundai i10, Mazda3, Toyota Camry, Toyota Fortuner, Kia Sedona vẫn giữ sự thống trị ở mỗi phân khúc tham chiến. Trong khi ở một vài mảng xe khác, ngôi vương đổi chủ.
MPV - Mitsubishi Xpander lật đổ Toyota Innova
Trước 2019, gần như không có mẫu xe nào đủ sức trở thành mối đe dọa của Toyota Innova, cái tên thống trị phân khúc MPV giá dưới một tỷ đồng tại Việt Nam. Xpander sau hơn bốn tháng cuối 2018 chạy đà, bắt đầu một chặng nước rút hoàn hảo khi kết thúc 2019 với hơn 20.098 xe tiêu thụ.
Mẫu xe của Mitsubishi không chỉ soán ngôi số một của Innova nắm giữ trong nhiều năm qua, còn vươn lên trở thành mẫu xe bán chạy thứ hai của thị trường chỉ sau vua doanh số Toyota Vios. Sự xuất hiện của Xpander thậm chí khiến ngôi á quân vốn thường được mặc định bởi Hyundai Accent, i10 không còn tồn tại.
Innova bán 12.164 xe trong 2019, vốn không phải đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Xpander. Nhưng sự vươn lên của mẫu xe thuộc Mitsubishi khiến miếng bánh thị phần của Toyota Innova bị chia nhỏ.
Innova từ chỗ thống trị phân khúc nhiều năm trước dù giá, kích thước đều cao hơn các đối thủ, nay phải san sẻ bớt khách hàng. Những đợt giảm giá từ hãng lẫn đại lý ở vài tháng cuối 2019 cho thấy sức ép mà Xpander tạo ra là không nhỏ. Toyota Rush, Avanza ở thế cạnh tranh tương đồng hơn, lại chưa đủ thu hút bằng Xpander.
Crossover cỡ B - Hyundai Kona soán ngôi Ford EcoSport
Dự cảm về một cuộc lật đổ ở phân khúc xe đô thị cỡ B tại Việt Nam đã râm ran từ thời điểm nửa cuối 2018 khi Hyundai Kona xuất hiện. Mẫu xe lắp ráp tại nhà máy ở Ninh Bình của TC Motor có một vài thời điểm vượt EcoSport về lượng tiêu thụ. Nhưng khi đó, lý giải cho sức hút của Kona nằm ở "cái mới" mà mẫu xe này mang lại, cả ở kiểu dáng và những trang bị đi kèm.
Năm 2019, dự cảm đó hiện thực hóa. Ford EcoSport lép vế trước sự vươn lên của Kona. Mẫu xe của Ford có những lần giảm giá hàng chục triệu để thu hút người dùng. Nhưng dù vậy, Ford không thể đòi lại ngôi vương nắm giữ trước thời điểm 2019.
Hết tháng 12, doanh số cộng dồn của Ford EcoSport là 4.006 xe, Hyundai Kona 7.103 xe. Khoảng cách hơn 3.000 xe là một bài toán khó với Ford trong năm mới 2020 nếu chờ đợi một chiến thắng ngược, bởi lượng tiêu thụ trung bình của EcoSport chỉ khoảng 330 xe/tháng trong 2019.
Crossover cỡ C - Honda CR-V lội ngược dòng trước Mazda CX-5
Thiết kế thể thao thu hút khách hàng trẻ, truyền thống định giá cao hơn đối thủ cùng phân khúc, những sản phẩm của Honda gần như không có nhiều cơ hội tranh ngôi số một về lượng tiêu thụ trong nhiều năm qua. Honda CR-V vẫn mang những đặc điểm đó, nhưng có một năm 2019 thành công khi cán đích với 13.337 xe, soán ngôi vương của Mazda CX-5 (10.231 xe) sở hữu vào 2018.
2019 là năm khởi đầu cho thế hệ mới của CR-V nhập khẩu Thái Lan bán tại Việt Nam. Phom dáng thể thao, năng động hơn của CR-V trở nên thắng thế trước một CX-5 mượt mà và phần nào ít có sự phá cách khi nằm trong triết lý thiết kế Kodo, đề cao sự đơn giản mà Mazda đang theo đuổi.
Lợi thế cấu hình 5+2 chỗ của CR-V, điều mà CX-5 không có cũng là một trong những nguyên nhân khiến mẫu xe của Honda được ưa chuộng hơn. Động cơ tăng áp 1,5 lít trên Honda CR-V từng khiến nhiều ý kiến lo ngại về hiệu suất vận hành tưởng chừng là điểm yếu nhưng hóa không. Sự cố phanh cứng trên một số xe Honda CR-V được khách hàng phản ánh và được dàn xếp ổn thỏa bởi hãng sau đó, không ảnh hưởng nhiều đến sức hút của mẫu xe này.
Mazda CX-5 trong 2019 không còn "ồn ào" như những năm trước khi không có những đợt giảm giá gây sốc từ Trường Hải. Vài tháng nửa cuối 2019, mẫu xe lắp ráp trong nước trở lại chiêu giảm giá quen thuộc, có lúc lên đến 100 triệu đồng nhưng không tạo được bước ngoặt doanh số lớn. CX-5 nhường ngôi số một phân khúc cho CR-V. Một đối thủ mới là Ford Escape bản lắp ráp trong nước sẽ gia nhập cuộc đua trong nửa cuối 2020.
Thành Nhạn