Hôm 20/3, 155 xe mẫu đã được VinFast chuyển đi 14 quốc gia, tại 4 châu lục để thực hiện các bài thử nghiệm về an toàn, độ bền trước khi bán tại Việt Nam dự kiến từ quý II năm nay. Các xe mẫu của VinFast sẽ thực hiện hơn 100 bài kiểm tra khác nhau để nhận các chứng nhận về chất lượng và độ an toàn, hướng tới đạt tiêu chuẩn châu Âu và thế giới.
Ông Kevin Fisher, kỹ sư trưởng dòng xe VinFast Lux, cho biết hai hạng mục quan trọng nhất sản phẩm cần vượt qua gồm Crash Test (thử nghiệm va chạm) và Realiability Test (độ bền và độ tin cậy).
Xe mẫu sẽ phải vượt qua nhiều dạng địa hình, khí hậu khác nhau và quãng đường chạy thử nghiệm có thể lên đến hàng trăm nghìn km. Thử nghiệm va chạm dùng để xác định mức độ biến dạng của xe, đánh giá tiêu chuẩn an toàn khi thiết kế xe. Đây là loại hình thử nghiệm được áp dụng với nhiều phương tiện trên thế giới.
Thông thường, các tổ chức thử nghiệm, đánh giá an toàn xe hơi sẽ thử nghiệm va chạm phía đầu xe. Ôtô thử nghiệm sẽ được đẩy ở tốc độ nhất định vào vật cản cứng ở phía trước. Dạng thử nghiệm này sẽ xác định được mức độ biến dạng của đầu xe, mức độ ảnh hưởng đến vùng an toàn (cabin xe), tác dụng của dây an toàn và tốc độ bung của túi khí. Cabin được bố trí hình nộm, cùng các cảm biến để đánh giá mức độ ảnh hưởng khi va chạm.
Với loại va chạm từ phía trước, ôtô có thể được thử nghiệm thêm hai va chạm khác gồm va chạm một nửa tiết diện đầu xe và va chạm một phần nhỏ (khoảng 15-20%) tiết diện đầu xe. Đây là dạng va chạm phổ biến khi hai ôtô ngược chiều đâm vào nhau. Các tổ chức đánh giá lớn trên thế giới gồm IIHS (Mỹ), EuroNCAP (châu Âu), ANCAP (Australia) và ASEAN NCAP (Đông Nam Á) đều thực hiện loại thử nghiệm này.
Va chạm bên sườn là thử nghiệm thứ hai được thực hiện với ôtô mới. Khác với va chạm phía đầu xe, vùng chịu va chạm sẽ hấp thụ phần lớn lực trước khi truyền đến cabin. Va chạm bên sườn, người ngồi bên trong cabin gần như chịu ảnh hưởng ngay lập tức do không có vùng chịu lực. Túi khí rèm có thể coi là sự trợ giúp duy nhất cho người ngồi trong xe.
Bên cạnh đó, các tổ chức sẽ thực hiện thử nghiệm khả năng chịu lực của các trụ xe (bộ phận giữ phần mui). Thử nghiệm này sẽ đánh giá mức độ bảo vệ người ngồi ở cabin khi xe bị lật ngược hoặc lộn nhiều vòng.
Ngoài ra, một số loại thử nghiệm va chạm khác như xe cũ đâm vào xe mới, xe văng ngang vào các vật cản bên đường. Trong mỗi thử nghiệm, các tổ chức đánh giá sẽ giám định độ tổn thương của hình nộm bên trong xe từ đó đưa ra điểm an toàn.
Đối với thử nghiệm độ bền và độ tin cậy, các chuyên gia sẽ điều khiển ôtô VinFast ở những điều kiện địa hình, thời tiết khác nhau. Quãng đường thử nghiệm có thể lên đến hàng trăm nghìn km để có những đánh giá đúng về khả năng bền bỉ của các bộ phận trên xe. Theo VinFast, xe được gửi ra nước ngoài chủ yếu thử trong nhà máy, trong khi tại Việt Nam sẽ chạy thử ở đường công cộng.
Đối với các hệ thống hỗ trợ an toàn cho người điều khiển, các hệ thống an toàn chủ động, tổ chức đánh giá sẽ thực hiện trên đường với vật cản là mô hình ôtô. Các hệ thống như hỗ trợ phanh tự động, phanh trong đô thị, phát hiện vật cản phía trước, cảnh báo điểm mù hay hỗ trợ đánh lái khi sai làn đường, phanh khẩn cấp đều được thử nghiệm ở bước này.
Ngọc Tuấn