Số liệu được đưa ra bởi VAMM - Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, với năm thành viên Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki, SYM, chiếm gần 100% doanh số toàn thị trường, bởi doanh số các hãng còn lại quá ít.
Con số 3.254.964 xe đến từ hơn 90 dòng xe do các hãng này cung cấp, nhiều nhất là Honda và Yamaha. Chiếm thị phần lớn nhất vẫn là Honda với hơn 75%. Trong khi đó đối thủ Yamaha tụt dần những năm gần đây, chỉ còn khoảng 20%. Phần nhỏ còn lại chia cho Piaggio, SYM và Suzuki.
Sản phẩm của các hãng thuộc VAMM đang bán trên thị trường hầu hết chạy xăng, lác đác vài xe có thêm bộ môtơ hỗ trợ, được gọi tên hybrid. Theo các chuyên gia, sự suy giảm nhẹ của xe máy truyền thống (sử dụng động cơ đốt trong) không hoàn toàn đến từ nhu cầu suy giảm, bởi cần theo dõi vài năm mới có thể đưa ra xu hướng. Trong khi đó, sức cạnh tranh đến từ mảng xe máy điện là rõ rệt.
Thị trường Việt trong năm 2019 đón chào thêm nhiều sản phẩm xe máy điện như VinFast Ludo và Impes, hãng xe Hàn Mbigo, Yadea từ Trung Quốc hay gần đây nhất là Pega (HK Bike trước đây) với mẫu eSH mà hãng này tự tuyên bố là đẹp và nhiều ưu điểm hơn Honda SH.
Các hãng xe máy điện không công bố doanh số nhưng các chuyên gia đánh giá sẽ là đối thủ lớn của xe máy truyền thống trong tương lai, bởi những ưu điểm như sạch, không cần đổ xăng và chi phí có thể tiết kiệm hơn. Tuy vậy, nhược điểm của loại xe này là tốc độ thấp hơn, tính cơ động không cao khi phụ thuộc vào nguồn sạc. Nếu bất chợt hết điện ở vùng không có sẵn pin để đổi, người dùng phải ngồi chờ sạc, trong khi xe máy xăng chỉ tốn một vài phút đổ xăng và cây xăng rất sẵn.
Trái ngược với thị trường xe máy, thị trường ôtô lại tăng trưởng tốt. Năm 2019, người Việt tiêu thụ 385.641 ôtô các loại, tương đương hơn 1.000 xe mỗi ngày. Con số này tăng 9,4% so với cùng kỳ 2018. Kết quả này tới từ 306.073 chiếc của các hãng VAMA và 79.568 xe của TC Motor (phân phối Hyundai, không thuộc VAMA).
Hoàng Anh