Khoảng một thập kỷ kể từ khi rời quyền kiểm soát của Ford (2008), Jaguar-Land Rover (JLR) mới ghi nhận mức sụt giảm doanh số (-4,6%). Kinh doanh khó khăn tại Trung Quốc, thị trường xe sang lớn nhất thế giới là nguyên nhân chính khiến thương hiệu thuộc sở hữu tập đoàn Tata (Ấn Độ), đang có dấu hiệu lạc nhịp.
Đại diện JLR cho rằng mức sụt giảm doanh số sâu tại Trung Quốc đi cùng đà giảm chung của thị trường đại lục. Trong 2018 tại thị trường đông dân nhất thế giới, lần đầu tiên doanh số toàn ngành ôtô giảm 6% trong vòng 28 năm qua.
Dẫu vậy, riêng phân khúc xe sang lại tăng trưởng 8%, đạt mốc 2,8 triệu xe tiêu thụ. Những thương hiệu như Lexus, Volvo, bộ tam nước Đức: Mercedes, BMW, Audi đều tăng trưởng. Điều trái ngược xảy đến với Jaguar-Land Rover.
Hãng xe sang nước Anh giảm sâu 21,6% doanh số tại Trung Quốc. Mức tăng tại các thị trường trọng điểm khác như Bắc Mỹ, châu Âu, Anh không đủ kéo đà tăng trưởng của JLR đi lên. Hãng này đang phải huy động khoảng 1 tỷ USD để chi cho lượng trái phiếu đến kì đáo hạn, cũng như duy trì các kế hoạch đầu tư đã đề ra trước đó.
JLR viện dẫn nguyên nhân khác đến từ ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, hãng này thực tế không nhập xe từ xứ cờ hoa để bán cho người dân đại lục. Hãng xe nước Anh có nhà máy sản xuất đặt ở Trung Quốc, liên doanh cùng công ty Chery Automobile Co thuộc nước sở tại.
Theo Autonews, doanh số JLR sụt giảm mạnh tại Trung Quốc bởi nguyên nhân chính ở chất lượng xe đang đi xuống. Người tiêu dùng vì thế quay lưng và chuyển sang các hãng đối thủ. Kiểm soát chất lượng từng là một vấn đề của JLR thời thuộc Ford và nó dường như vẫn còn kéo dài đến nay dù đã đổi chủ.
Năm 2014, việc sản xuất xe JLR bắt đầu thực hiện tại Trung Quốc. Từ 2015 đến 2017, nhà máy liên doanh của hãng này lắp ráp các mẫu như Rand Rover Evoque, Discovery, Jaguar XFL, XEL hay gần đây là Jaguar E-Pace. Doanh số trong hai năm này tăng từ 92.474 xe lên 146.399 xe.
Sản xuất tại đại lục cho phép JLR điều chỉnh thiết kế, trang bị theo thị hiếu người tiêu dùng, cũng như tránh được khoản thuế nhập khẩu 25% làm tăng giá xe. Đây được xem là những thuận lợi cho hai thương hiệu Anh, nhưng điểm mấu chốt ở chất lượng sản phẩm không được quan tâm đúng mực.
Người dân Trung Quốc cũng như Mỹ rất quan tâm đến chất lượng và độ tin cậy của xe hơi trong 3 năm đầu. JLR thường xuyên nằm trong nhóm dưới điểm trung bình, theo đánh giá của tổ chức nghiên cứu thị trường J.D Power (Mỹ).
Chỉ tính riêng trong 2017, JLR đã thực hiện 13 cuộc triệu hồi tại Trung Quốc do các lỗi liên quan đến động cơ, túi khí, pin, linh kiện. Việc triệu hồi ảnh hưởng đến khoảng 106.000 xe, tương đương hơn 70% số xe bán ra.
Tháng 8/2018, những chủ sở hữu xe Jaguar, Land Rover đã kéo đến trụ sở chính của hãng ở thành phố Thượng Hải. Họ dùng chính những chiếc xe mình sở hữu đang gặp vấn đề để bày tỏ quan ngại về chất lượng xe của hãng đang dần xuống cấp.
Trong khi đó các đại lý JLR hiện phải đối mặt với bài toán bán xe trong 3 tháng đầu, cũng như áp lực từ hàng tồn kho. Một số bắt đầu nhập các mẫu Jaguar từ nước ngoài về bán với mức giảm giá 30%. Điều này dấy lên một câu khẩu hiệu tại Trung Quốc: "xe Jaguar thực ra chỉ có 70% giá trị thực".
Đứng trước nhiều khó khăn, ngoài những khoản tiền đầu tư được "bơm" thêm, JLR tiến hành cắt giảm 4.500 việc làm, tương đương 10% số công nhân hiện nay để tiết kiệm chi phí và tái cơ cấu hoạt động sản xuất. Quan trọng hơn cả là cải thiện chất lượng sản phẩm để kéo khách hàng quay trở lại. Điều này cũng để chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, nâng lượng xe xuất xưởng của liên doanh JLR tại Trung Quốc từ 130.000 xe lên 200.000 xe mỗi năm, bắt đầu từ tháng 3/2019 tới.
Phạm Trung
Theo Autonews