Theo New York Times - Hàng ghế sau, hàng chục năm nay, vẫn được cho là nơi an toàn nhất trên ôtô khi xảy ra tai nạn. Nhưng niềm tin này không còn được bảo đảm, khi những tiến bộ trong công nghệ dây an toàn ở hàng ghế trước còn chưa được áp dụng cho hàng ghế sau.
Gần đây các nhà nghiên cứu an toàn có những đề xuất mới về việc nên mua ôtô nào và nên ngồi ở đâu, nhấn mạnh hàng ghế sau của những loại xe nào có hệ thống dây an toàn tự căng, thứ đã bảo vệ được người ở hàng ghế trước trong 10 năm qua.
Hệ thống đai an toàn này thít chặt khi cảm biến phát hiện va chạm sắp xảy ra. Chúng cũng có thể nới lỏng ra một chút khi người dùng thắt dây đai quá mạnh khiến dây đai có thể gây nguy hiểm.
Nếu hệ thống đai an toàn với công nghệ ưu việt này chưa được áp dụng ở hàng ghế sau, những người ở độ tuổi từ 55 trở lên nên ngồi ở hàng ghế trước, theo Cơ quan Quản trị An toàn Lưu thông đường bộ Quốc gia Mỹ.
Các nhà nghiên cứu cho biết đai an toàn ở hàng ghế sau cùng thiếu bộ chống quá tải, nghĩa là chúng không thể nới lỏng ra. Vì vậy, khi xảy ra va chạm trước, đai an toàn có thể gây ra các tổn thương ở ngực, bụng hoặc xương sống, theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu An toàn giao thông quốc gia Mỹ (IIHS) và Bệnh viện Nhi Philadelphia. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát các vụ va chạm phía trước khiến 117 người ngồi ở hàng ghế sau trong độ tuổi 6 đến 92 tử vong hoặc thương nặng.
"Đây là bằng chứng rõ ràng về việc đai an toàn tác dụng lực đáng kể lên ngực của hành khách ở mọi độ tuổi", Jessica Jermakian, nghiên cứu viên tại IIHS, cho biết.
Tuy nhiên, hệ thống đai an toàn ở hàng ghế sau này – không có bộ chống quá tải hay căng đai khẩn cấp – lại đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn liên bang, được cho là bảo vệ được người dùng ở mức tối thiểu.
Các nhà nghiên cứu cho rằng cần thiết phải có sự cải tiến bởi hàng ghế sau, được những người lớn tuổi không thể tiếp tục lái xe hay những hành khách sử dụng dịch vụ vận tải như Uber và Lyft, sử dụng thường xuyên hơn cả. Sự an toàn ở hàng ghế sau càng phải được chú trọng hơn ở các phương tiện tự động.
Và chỉ trong vòng vài năm, người dùng có thể biết model nào bảo vệ được người ngồi ghế sau tốt nhất. Đến 2022, viện an toàn hy vọng sẽ có một cuộc thử nghiệm va chạm ở hàng ghế sau, cho phép người mua so sánh giữa các mẫu mới.
Điều này cũng gợi ý các nhà sản xuất ôtô bổ sung các quy tắc liên bang còn thiếu. Viện an toàn không có quy định riêng, nhưng các nhà sản xuất ôtô tỏ ra nhạy cảm khi những đánh giá tiêu cực được công khai và thiết tha mong muốn thêm nhiều quảng cáo đánh giá tốt.
Cơ quan an toàn giao thông liên bang tháng 12/2015 cho biết đang cân nhắc về việc thử nghiệm va chạm, nhưng đến nay vẫn chưa có đề nghị nào được đưa ra. Về mặt kỹ thuật, hàng ghế sau không có nguy hiểm gì hơn. Chỉ là hàng ghế sau thì không an toàn được bằng ghế trước.
Ưu tiên đảm bảo an toàn cho hàng ghế trước là hợp lý, Aditya Belwadi, nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu và Phòng tránh Thương tích ở Bệnh viện Nhi Philadelphia, nhận xét. Người ngồi ở hàng ghế trước phải chịu phần lớn lực tác động nếu xảy ra va chạm trước. Trong khi đó, những người ở hàng sau có lợi thế hơn về khoảng cách. "Bạn có một khoảng không gian đáng kể mà chúng tôi gọi là khoảng cách va chạm, giữa bạn và xe khác", Belwadi nói. "Lực va chạm bị tiêu hao đi rất nhiều giữa ghế trước và ghế sau".
Các nhà sản xuất ô tô cũng không chú trọng vào hàng ghế sau bởi nó thường không được sử dụng, và việc nâng cấp thiết bị an toàn sẽ tốn nhiều hơn, Jingwen Hu, phó giáo sư nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Giao thông vận tải Đại học Michigan, nói.
Những nghiên cứu khác cũng lưu ý rằng người từ 55 tuổi trở lên – những người xương có xu hướng giòn và dễ gãy – có thể gặp nguy hiểm bởi dây an toàn. Nghiên cứu này cũng chỉ ra những nguy hiểm đối với trẻ em, Jermakian cho biết.
Các nhà nghiên cứu và cơ quan an toàn giao thông đồng ý rằng trẻ em dưới 13 tuổi vẫn nên ngồi ở hàng ghế sau bởi có những trường hợp va chạm phức tạp và trong khi cần có sự cải tiến thì hàng ghế sau vẫn là nơi an toàn cho trẻ em hơn cả. "Chúng tôi có rất nhiều dữ liệu để củng cố điều này", Belwadi thuộc Bệnh viện Nhi Philadelphia nói và cho biết "hàng ghế sau vẫn là nơi rất an toàn".
Tại sao người già, chứ không phải là trẻ em, nên ngồi hàng ghế trước?
"Trẻ con rất rắc rối", Jingwen Hu nói. "Chúng rất khác biệt so với người già xét theo phương diện các dạng chấn thương và cơ chế chấn thương".
Trong khi nghiên cứu chỉ ra rằng đai an toàn có thể gây ra những chấn thương nghiêm trọng, một nghiên cứu năm 2014 cho thấy nếu không sử dụng dây an toàn còn nguy hiểm hơn rất nhiều, Jermakian cho biết. Rủi ro bao gồm cả việc người ngồi sau không thắt dây an toàn lao vào người phía trước và gây chấn thương cho họ.
Các nhà sản xuất ôtô hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống đai an toàn ở hàng ghế trước cho hàng ghế sau, và một vài hãng đang làm như vậy. Tuy nhiên, điều này không đơn giản là dùng chính xác cùng một công nghệ đó. Chẳng hạn, khi đai an toàn lơi lỏng ra, nó có thể khiến đầu của người phía sau lao quá xa về phía trước và đập vào lưng ghế trước, Jingwen Hu cho biết. Ở hàng ghế trước có một túi khí để bảo vệ đầu khi bộ chống quá tải nới lỏng ra. Nhưng ở hàng ghế sau thì không có, và đặt túi khí ở đây khá nan giải bởi ghế trước không cố định.
"Đó là lý do Ford phát triển một hệ thống dây an toàn có thể phồng ra như túi khí, vừa giữ cho người ngồi được an toàn vừa truyền lực tác động ra diện tích rộng hơn", Srinivasan Sundararajan, nhà nghiên cứu an toàn tại Ford, nói. Được giới thiệu như một tùy chọn trên Explorer 2011, hệ thống đai an toàn này nay đã có mặt ở một vài mẫu khác.
Nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng đai an toàn có thể thổi phồng cần có "hiệu quả cao hơn", Hu nói.
Nhưng Ford hiểu rằng đối với khách hàng đây không phải thứ được ưa chuộng. Vấn đề ở đây là khóa dây an toàn lớn hơn bình thường khó sử dụng đối với trẻ em hay những người thuận tay trái. Và hành khách có thể sẽ không hiểu được lợi ích của việc phải trả thêm tiền cho tùy chọn này.
Vì vậy Ford đang thay đổi chiến lược và sẽ đưa ra hệ đai an toàn với bộ chống quá tải và căng đai khẩn cấp ở hàng ghế sau như một trang bị tiêu chuẩn trên nhiều mẫu, Desi Ujkashevic, Giám đốc toàn cầu của Cơ quan An toàn ôtô Ford, cho biết.
"Sự an toàn sẽ tiếp tục được cải tiến".
Mai Huyền dịch
Theo New York Times