Theo tôi chính phủ nên có kế hoạch cấm xe máy và thuyết phục người dân chuyển sang xe đạp. Hiện nay các nước phát triển trên thế giới đa dạng và thực hiện kế hoạch này. Xe đạp là phương tiện rẻ, không ô nhiễm và tốt cho sức khỏe mà thập niên 80, 90 ở Việt Nam đi rất nhiều.
Tuy xe đạp không nhanh bằng xe máy nhưng nó tốt hơn, những ai cần đến nơi xa thì chỉ việc đi sớm hơn là được. Đây là xu hướng trên thế giới. Còn một điều quan trọng hơn nữa là xe máy làm cho người dân Việt Nam mất dần thói quen đi bộ, cứ hễ muốn đi đâu là lôi xe máy ra. Hầu hết khách du lịch đến Việt Nam đều chê giao thông quá tệ và đó là một trong những nguyên nhân khách du lịch không muốn đến, mà chỉ đến một lần thôi vì cảm giác quá nguy hiểm.
Còn về vấn đề số 3 mà Độc giả Nguyễn Minh Hoàng trong bài "Có nên cấm xe máy ở Việt Nam?" nêu ra là "Sử dụng xe công cộng có thể tiết kiệm được nhiều thứ nhưng những người dân sinh sống trong căn hẻm, ngõ cụt, muốn dùng xe buýt họ cũng phải đi tới các trạm lớn, một quãng đường xa, không những có trẻ em mà còn các cụ già, người cao tuổi, người bệnh tật, họ khó khăn trong việc di chuyển".
Xin thưa ở các nước như Mỹ, Úc, tất cả các người dân đều phải đi bộ đến trạm xe buýt cho dù xa hay gần và đó là điều bắt buộc của một lối sống bằng giao thông công cộng hiện đại. Xe buýt đều có hệ thống hỗ trợ người già và những người xung quanh luôn có ý thức giúp đỡ họ. Người Việt nên tập cái ý thức như thế.
"Chưa dẹp được trộm cướp thì ai dám dùng phương tiện công cộng, chị em phụ nữ đi làm đêm khuya trở về nhà phải đi bộ một quãng đường từ trạm vào tận nhà, làm sao đảm bảo không có những mối nguy hiểm đang đứng chờ họ ở đó, trộm cướp, ma túy, những kẻ cưỡng bức,..." ở vấn đề thứ 4. Đó là trách nhiệm của công an, mỗi trạm xe hay từng khu phố nên có bảo vệ hoặc cảnh sát đi tuần.
Vấn đề thứ 5 là "Cấm dùng xe máy thì ai vận chuyển đồ vào chợ hằng ngày cho những người bán hàng. Nếu cấm xe máy là đã cướp đi nguồn kiếm sống của các bác xe ôm. Những lúc có việc cần gấp như mua thuốc, đôi khi nhà chỉ cách tiệm có vài km lại phải đi xe đạp hay đi ôtô, điều này có nên không?". Xin thưa, hàng hóa đến nơi tiêu thụ đều phải đặt và vận chuyển bằng xe tải, rồi sẽ có một chiếc xe kéo nhỏ mang hàng hóa của từng người vào chợ, đó là phương pháp mà trên thế giới đều làm và áp dụng.
Vấn đề tiếp theo là "Chưa kể đến vấn đề thời gian, tiền bạc. Nếu dùng ôtô có thể tốn rất nhiều tiền chi trả cho việc đổ xăng, mà số tiền đó có thể là một bữa ăn ngon miệng cho bất cứ người nào". Việt Nam là một nước thu nhập thấp thì đó là điều hiển nhiên nên tôi khuyên sử dụng xe đạp tiện hơn. Còn khi những người làm việc cho chính phủ như người đưa thư hay giao hàng cho các cửa hàng hay công ty chuyển phát nhanh thì nên chọn xe máy.
Vấn đề số7: "Bất tiện trong việc đỗ xe, nhà ở thành phố thường hẹp, lấy đâu chỗ đỗ ôtô, đậu xe để vào nhà hay đi ăn uống ở các quán nhỏ. Sử dụng ôtô có thể che giấu đi thân phận tội phạm, qua mặt cảnh sát trong trường hợp nước ta như hiện nay". Xe đạp thì dễ rồi, ôtô thì dành cho nhà giàu nên lúc nào cũng chuẩn bị bãi đỗ xe. Còn việc tội phạm thì không lẽ ai cũng là tội phạm. Đi xe máy thì rất dễ bị giật đồ như hiện nay còn xe hơi thì không thể. Xe hơi gây tai nạn ít hơn xe máy.
"Chúng ta không nên so sánh nước mình với các nước có nền giao thông phát triển như Mỹ, Nhật, đó là một sự khập khiễng". Nếu như chúng ta luôn có tư tưởng không thể nào bằng được các nước khác thì suốt đời chúng ta mãi như vậy. Chúng ta phải ước mơ và cố gắng làm bằng được.
Độc giả Nam Bao
Lương Dũng biên tập
Liên hệ luongdung@vnexpress.net