Vậy trong những trường hợp nào có thể nhầm ga - phanh?
- Kỹ năng lái xe chưa thực sự thành thạo;
- Tinh thần người lái không được tỉnh táo (căng thẳng, mệt mỏi, sử dụng chất kích thích...);
- Một số tình huống bất ngờ.
Khi kỹ năng lái xe đã thành thạo thì gần như trở thành phản xạ tự nhiên: khi bàn chân xoay nghiêng sang phải (để ở ga) sẽ không có phản xạ đạp thốc – không bị tăng ga đột ngột; ngược lại phản xạ đạp nhanh, mạnh bàn đạp khi bàn chân xoay thẳng (bàn chân đang ở bên phanh).
Nếu có tình huống bất ngờ thì bàn chân đang ở bên ga cũng theo phản xạ (đã được luyện tập) sẽ xoay thẳng trở lại và đạp vào phanh (tất nhiên là đang nói trong tình trạng tinh thần tỉnh táo).
Nếu mọi người rèn luyện và thực hiện đúng thao tác ngay từ khi mới học lái và đang lái xe số sàn thì không quá khó khăn khi chuyển sang xe số tự động. Đối với xe số tự động, một số thời điểm có thể nhầm giữa phanh và ga (cho dù người lái thành thạo, hoàn toàn tỉnh táo và không có bất ngờ).
- Khi bắt đầu khởi hành (cả tiến và lùi). Phòng tránh: khi chuyển sang số D hoặc số R chỉ nới chân phanh để xe chạy ổn định, an toàn rồi mới xoay chân sang ga để tăng tốc;
- Tạm dừng xe (đèn đỏ, khách xuống xe). Phòng tránh: ngay lập tức chuyển về số N (có thể là P cũng được) và chân vẫn để ở vị trí phanh;
- Tiến hoặc lùi xe qua vật cản (thường ở thành phố là vỉa hè). Phòng tránh: không nên cố gằng vượt qua. Nếu bắt buộc phải thực hiện thì nên dịch chuyển ra xa vỉa hè một khoảng cách vừa đủ sau đó nới chân phanh để xe tiến về vỉa hè theo đà và vượt qua (có thể thêm chút ga cho có đà rồi chuyển ngay bàn chân về vị trí phanh).
Hạn chế của quá trình học lái xe và cấp giấy phép lái xe ở Việt Nam là tiêu chí thành thạo kỹ năng bị coi nhẹ. Hầu hết chỉ học kỹ năng vượt qua bài thi. Vì vậy muốn lái xe an toàn, sau khi có bằng thì mỗi cá nhân nên tự trau dồi kỹ năng bằng cách học thêm thực hành lái xe với thầy và bằng xe tập lái.
Chúc mọi người lái xe an toàn và thoải mái với niềm đam mê bốn bánh.
Độc giả Nguyễn Châu