Nhiều năm qua, truyền thống của Toyota là phiên bản mới ra mắt không bao giờ giá thấp hơn phiên bản cũ, thường là cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều. Trước khi xe bán ra, câu hỏi để khách hàng bàn tán là giá sẽ tăng bao nhiêu? Nhưng hôm 23/4 tại Vĩnh Phúc, lần đầu tiên hãng xe Nhật làm ngược lại, Camry thế hệ mới thấp hơn thế hệ cũ gần 70 triệu.
Giới truyền thông và chuyên môn "ngã ngửa", với truyền thống làm giá cao của Toyota, điều này gần như một cú sốc thị trường. Camry mới hơn bản cũ tất cả mọi thứ, từ nguồn gốc nhập khẩu, thiết kế giống xe ở Mỹ, nâng cấp tiện nghi và công nghệ tiệm cận hạng sang. Vậy lý do nào để Camry mới giá thấp hơn bản cũ?
Tổng giám đốc Toyota Việt Nam Toru Kinoshita lý giải việc định giá cao hay thấp đều do thị trường chi phối, nhưng các chuyên gia cho rằng còn nhiều nguyên nhân khác.
Cựu giám đốc bán hàng một hãng xe Nhật chia sẻ, giảm giá xe mới là Toyota đang chấp nhận giảm lợi nhuận biên để đổi lấy thị phần, thứ đang bị đe dọa hai năm trở lại đây. Trường Hải không còn uy hiếp các hãng liên doanh như hồi 2017 mà Hyundai Thành Công mới là mối lo chung của VAMA. Sắp tới là cả VinFast. Việc bán hàng của hãng xe Việt chưa có gì rõ ràng, nhưng lại có tiềm lực lớn, có thể phá vỡ quy tắc chung của thị trường.
Để có thể đánh chiếm thị phần, cần tận dụng thế mạnh ở mọi phân khúc. Sedan cỡ D không còn nhiều sức hút (bị lấn át bởi crossover và SUV), nhưng ở đó Camry vẫn là ông vua doanh số, khi mà đối thủ Mazda6 chưa thể vượt mặt, Honda Accord không đặt nặng bán hàng và Hyundai Sonata thế hệ mới chưa về nước. Đặt mức giá hấp dẫn, hãng tham vọng hâm nóng lại phân khúc này, đồng thời lấy khách từ crossover, SUV tầm 1 tỷ, thậm chí cả những khách mua xe sang cỡ nhỏ như Mercedes C-class.
Trên quy mô rộng hơn, Camry giảm giá một phần gánh trách nhiệm tìm đầu ra cho nguồn cung đang dư thừa. Chuyên gia tiết lộ, hiện hầu hết các hãng xe đang rơi vào trạng thái thừa cung, nhất là ở châu Á. Toyota không phải ngoại lệ. Hãng này dồn Camry về lắp ráp ở nhà máy tại Thái Lan và xuất khẩu đi các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Để nhà máy đạt đủ quy mô sản xuất, việc bán hàng ở các thị trường cần suôn sẻ.
"Một dây chuyền cần đạt 120.000 xe/năm mới được coi là hiệu quả", vị này cho biết. Xe ra đời ở nhà máy tại Việt Nam đơn thuần là "lắp ráp", chưa đạt đủ tiêu chuẩn về các khâu, số lượng để gọi là "sản xuất".
Cùng với Camry, Altis cũng có thể là cái tên tiếp theo ngừng lắp ráp và chuyển sang nhập khẩu. Trong khi đó, hãng sẽ mang Fortuner về lắp lại ở Việt Nam như trước đây, sau chưa tới 2 năm nhập khẩu.
Toyota không phải là hãng duy nhất tiến hành phân bổ lại kế hoạch sản xuất giữa các nhà máy. Honda cũng dự định cắt Accord khỏi nhà máy Thái Lan, chuyển hết về nhà máy tại Mỹ. Sau 2023, hầu hết các nhà sản xuất ôtô sẽ không còn đầu tư nhiều vào động cơ đốt trong truyền thống mà tập trung nguồn lực nghiên cứu phát triển xe dùng năng lượng xanh.
Tuy đặt giá thấp, nhưng những thông tin về giá được đại lý phát đi ban đầu lại ước tính khá cao, tới 1,5 thậm chí 1,6 tỷ. Các chuyên gia bán hàng nhận định, bằng cách này, các đại lý Toyota dễ dàng bán hết lượng Camry thế hệ cũ còn tồn.
Cùng lúc ước tính mức giá xe mới gần 1,6 tỷ, các đại lý giảm giá bản 2.5Q lắp ráp từ 1,3 tỷ xuống còn khoảng 1,23 tỷ. Với khoảng cách rẻ hơn gần 400 triệu so với xe mới, lựa chọn xe lắp ráp trở thành món hời khiến nhiều người quyết định nhanh và không hề nghĩ tới trường hợp xe mới rẻ hơn xe cũ.
Nhưng sau ngày 23/4, nhiều khách trót mua xe cũ cảm thấy tiếc nuối bởi chỉ cần chờ thêm một vài tháng đã có xe mới với mức giá tương tự, tất nhiên chưa tính "bia kèm lạc".
Camry vẫn là một trong những cái tên lâu đời nhất tại Việt Nam, biểu tượng cho tầng lớp trung lưu trong xã hội bên cạnh một tập khách hàng lớn, đặc thù là các đơn vị hành chính nhà nước. Sự thay đổi trong nhu cầu khiến dòng xe này dần nhường chỗ cho xe gầm cao cùng tầm tiền, nhưng Camry vẫn là cái tên được nhiều người lựa chọn khi cần một chiếc sedan rộng rãi, đứng đắn và phù hợp nhiều hoàn cảnh.
Đức Huy