Thứ sáu, 19/4/2024
Thứ hai, 20/9/2021, 07:00 (GMT+7)

Ôtô, xe máy 'vùng xanh' kéo nhau đi sửa chữa, làm đẹp

Hà NộiCác xưởng sửa chữa và làm đẹp, rửa ôtô, xe máy ở các quận vùng xanh đông khách sau khi nới lỏng giãn cách.

Sáng 19/9, trên phố Thành Thái (quận Cầu Giấy), cửa hàng rửa xe, dọn nội thất chật kín ôtô để trên vỉa hè và bên trong nhà chờ tới lượt. Khung cảnh mà những người làm dịch vụ cho biết là nhiều tháng rồi mới lại được thấy.

Từ 12h ngày 16/9, UBND thành phố Hà Nội cho phép 19 quận, huyện, thị xã được mở lại một số hoạt động như: văn phòng phẩm, sửa chữa xe, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về)... Ảnh: Ngọc Thành

Một garage tại khu Nam Trung Yên bận rộn vì nhiều xe vào sửa chữa. Anh Minh chủ xưởng cho biết hai ngày sau khi có quy định nới lỏng giãn cách mới mở cửa tiếp nhận xe nhưng vẫn đông khách. Ảnh: Ngọc Thành

Tương tự, một garage tại vùng xanh Nam Từ Liêm cũng ghi nhận đông người mang xe đi sửa sau thời gian dài. Các chủ garage cho biết, chủ yếu xe gặp phải các vấn đề về ắc-quy, lốp, hệ thống điện và điều hòa, chuột phá. Ngoài ra, một số khách hàng sẽ mang xe đến để bảo dưỡng nhanh, kiểm tra định kỳ hoặc thay dầu máy. Ảnh: Minh Quân

Xe ôtô để ngoài trời trong thời gian dài không đi thường bị han gỉ đĩa phanh, xuống hơi nên phải bơm và cân chỉnh lại lốp, nếu lốp xe yếu thì có thể hỏng, phải thay thế. Ảnh: Ngọc Thành

Một thợ máy đeo ông nghe để kiểm tra tiếng động lạ trong khoang động cơ sau thời gian dài không sử dụng.

Thời gian để sửa chữa tùy thuộc vào tình trạng và lượng khách, về lỗi ắc-quy, điện và phần mềm sẽ mất khoảng 30 phút đến 1 tiếng, trong khi đó hệ thống điều hòa mất một ngày để kiểm tra và khắc phục. Mức giá rẻ nhất từ 1-2 triệu đồng cho việc thay dầu, thay thế bộ phận bị hỏng do xe lâu ngày không đề nổ và đắt nhất vài chục triệu để sửa chữa gầm và động cơ.

Sau thời gian giãn cách, lượng khách tăng nhẹ đẩy khối lượng công việc, cá biệt một vài khách yêu cầu lấy xe sớm khiến garage phải làm thêm 2-3 giờ. Ảnh: Minh Quân

Các loại dung dịch trên xe như dầu máy, nước rửa kính, dầu phanh... cũng cần được kiểm tra, bổ sung vì có thể bị rò rỉ, lắng cặn.

"Hệ thống điện cũng bị ảnh hưởng nhiều vì ôtô ở Hà Nội hầu hết là gửi ở các bãi xe tạm bợ ngoài trời, chỉ có người trông, không được chăm sóc nên không tránh được tình trạng chuột cắn", anh Vân, thợ kỹ thuật ở Nam Trung Yên (Cầu Giấy), chia sẻ. Thợ sẽ dùng máy dò để kiểm tra xem chuột cắn vị trí nào sau đó mới có phương án sửa chữa. Ảnh: Ngọc Thành

Nội thất để lâu ngày, hơi ẩm xập nhập nên bị nấm, mốc cũng là một vấn đề lớn nên cần vệ sinh toàn bộ, sau đó tới điều hòa, thông gió. Ảnh: Ngọc Thành

Ngoài những lỗi phải sửa chữa bên trong, diện mạo bên ngoài cũng là vấn đề nhiều chủ xe quan tâm. Xe để ngoài trời thường bị ố bề mặt sơn, có xe bị tình trạng nhựa cây bám, thợ phải xử lý bề mặt bởi không thể khắc phục được tình trạng đổi màu xe. Ảnh: Ngọc Thành

"Hiện cửa hàng đang nhận khách quen và khách có thẻ thành viên, nhưng đã kín khách hết ngày mai, phải sau ngày hôm nay vãn xe mới tiếp tục nhận tiếp để đảm bảo khách đến được sửa luôn không phải chờ đợi. Gia đình tôi có hai gara, một sửa chữa, một chăm sóc xe và thợ đều làm việc liên tục từ 7h đến 19h vẫn không hết", anh Vũ Tiến Nam, quản lý garage trên phố Trần Thái Tông chia sẻ.

So với trước giãn cách, năng suất lao động chưa đạt như kỳ vọng. "Khách đông nhưng 1/3 lượng nhân viên nghỉ chưa quay lại vì đang giãn cách nên gần 10 người còn lại làm việc không xuể. Gần hai tháng giãn cách thiệt hại của gara hàng trăm triệu từ nuôi thợ, thuê nhà...", anh Nam nói thêm. Ảnh: Ngọc Thành

Các garage đều nhận định khi hết giãn cách, lượng xe mang đi sửa chữa sẽ còn rất đông vì chủ yếu đỗ ở bãi ngoài trời. Trong ảnh là những chiếc xe dịch vụ quây dây barie nằm "đắp chiếu" tại một bãi xe trên đường Nguyễn Chánh, toàn bộ lốp xe để lâu đã xuống hơi. Ảnh: Ngọc Thành

Bên cạnh ôtô, các cửa hàng sửa chữa, rửa xe máy cũng tấp nập khách ra vào. Anh Thắng, chủ cửa hàng sửa chữa xe máy tại Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cho biết sau khi nới lỏng giãn cách, lượng khách hàng đông hơn. Chủ yếu khách hàng mang xe đến với lỗi không đề nổ do hết ắc-quy, bugi để lâu ngày không hoạt động hay chuột cắn dây điện. Chi phí để thay thế ắc-quy và tiền công vào khoảng 200-500.000 đồng tùy từng loại xe. Ảnh: Minh Quân

Lốp xe bị xịt hơi cũng là vấn đề nhiều khách hàng gặp phải. Mức độ nhẹ chỉ cần bơm lại, nặng hơn là tháo ra để kiểm tra và thay thế lốp. Ảnh: Minh Quân

Ngọc Thành - Minh Quân