Tháng 11, Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) bán ra 5.174 xe, mức thấp nhất sau nhiều tháng trở lại đây và chỉ bằng một nửa tháng 11/2007. Tuy nhiên, chỉ cần từng đó cũng đủ giúp tổng lượng xe trong 11 tháng 2008 đạt 100.910 chiếc, cao hơn mức của 2007 tới 48% và đạt chỉ tiêu mà các nhà sản xuất từng dự đoán hồi đầu năm.
Trong cột mốc 100.000 chiếc, những tháng đầu năm 2008 đóng vai trò quan trọng với doanh số trung bình 11.000 xe. Tuy nhiên, kể từ tháng 6 kết quả kinh doanh ngày một sụt dần và thậm chí, một vài mẫu xe xuống tới mức thấp nhất trong 2 năm.
Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng nữa là sự có mặt của Vinamotor trong nhóm các thành viên VAMA. Nhà sản xuất này đóng góp 19.500 chiếc, chỉ kém Toyota Việt Nam.
C-class mới, mẫu xe ăn khách nhất của Mercedes. Ảnh: T.N. |
Lập kỷ lục mới nhưng không nhà sản xuất nào có thể yên tâm. Bởi đã cuối năm mà tình hình không hề được cải thiện. Sản lượng của hầu tất cả các phân khúc đều giảm sau một tháng 10 nhích lên đôi chút. Dòng 5 chỗ tiêu thụ được 1.356 xe, sụt không đáng kể. Tuy nhiên, xe đa dụng SUV/MPV lại "gặp hạn" khi đạt mức 1.287 chiếc, giảm 19% so với tháng 10 nhưng thấp hơn 48% cùng kỳ 2007.
Đứng đầu thị trường và tung ra chương trình khuyến mãi, hỗ trợ khách hàng về giá, nhưng các đại lý Toyota không thể kéo Innova trở về thời hoàng kim. Chiếc đa dụng này có doanh số 761 xe, không lập kỷ lục ngược như hồi tháng 9 nhưng vẫn thấp hơn 46% cùng kỳ.
Ra mắt đầu 2006, Innova trở thành hiện tượng khi liên tục tăng trong lúc thị trường đi xuống. Lúc đó, riêng mẫu xe này chiếm tới 63% lượng tiêu thụ xe SUV/MPV của toàn thị trường. Giờ đây, Innova vẫn giữ ở con số 60% nhưng nó không còn khả năng tạo sự khác biệt bởi đã quá phổ biến và chịu sự chi phối của thị trường như bất cứ mẫu xe nào.
Nằm cùng phân khúc với Innova, Ford Việt Nam cũng cố gắng tạo đà cho Everest trong những tháng cuối năm khi tung ra chương trình hỗ trợ phí trước bạ. Thế nhưng, người tiêu dùng gần như vẫn thờ ơ. Lượng xe bán ra đạt 167 chiếc, một con số quá nhỏ so với thành tích 504 xe của tháng 11/2007.
Ford được đánh giá là liên doanh gặp nhiều khó khăn trong 2009. Dựa chủ yếu vào Everest nhưng chưa kịp đối phó với cảnh ảm đạm của thị trường thì hãng xe Mỹ lại chịu tin xấu khác là thuế tiêu thụ đặc biệt mới. Khi được áp dụng vào 1/4/2009, mỗi chiếc Everest bị đội thêm 15%, tức khách hàng phải trả thêm khoảng 5.000 USD nữa.
Phần còn lại của phân khúc SUV/MPV là sự yếu kém của "cựu hoàng" một thời Chevrolet Captiva dù Vidamco vẫn chịu khó khuyến mãi hằng tháng. Trong tháng 11, khách hàng tậu 133 xe Captiva, tăng nhẹ so với tháng 10 nhưng chỉ bằng một phần ba cùng thời điểm này năm ngoái. Tệ hơn, người anh em Chevrolet Vivant tiếp tục xuống sâu và chỉ có 39 chiếc được bán ra.
Không may nhất có lẽ là Mitsuhishi Zinger. Ra mắt đúng vào thời điểm tệ hại của thị trường, Zinger không có cách nào để kéo khách hàng của Innova. Sau khi bán được 183 chiếc vào tháng 10, chiếc MPV này rớt xuống còn 93 xe. Tình hình Zinger sẽ còn bi đát hơn nếu thuế tiêu thụ đặc biệt mới được áp dụng. Giá bị nâng thêm 15%, rất có thể Zinger không còn lợi thế về trước đối thủ Toyota Innova.
Ở phân khúc sedan 5 chỗ, tuy ít giảm ít nhưng lại có sự phân hóa lớn về doanh số của từng mẫu. Honda Civic lại lập kỷ lục ngược khi chỉ có 101 chiếc tới tay khách hàng, thấp nhất kể từ đầu 2007. Rõ ràng, chiếc sedan này không còn lợi thế trước Toyota Corolla Altis và đã đến lúc Honda tập trung cho một sản phẩm mới, dự kiến ra mắt vào cuối tháng này.
Cùng với Honda, Mercedes và Ford bị giảm sản lượng dòng sedan. Thế nhưng, Vidamco và Toyota lại có bước tiến tốt. Liên doanh Hàn Quốc tiêu thụ 457 chiếc sedan trong tháng 11, cao hơn 60% tháng 10. Đặc biệt, chiếc Lacetti 1.6 và Spark tăng gấp đôi, lần lượt là 124 và 269 xe.
Toyota thì vẫn duy trì Corolla ở mức cao với thành tích 318 xe, gấp 3 lần đối thủ trực tiếp Honda Civic và thấp hơn một chút tháng 10. Bù lại, Vios tăng từ 136 xe lên 194 chiếc. Camry 2007 cũng tăng thêm 11 xe.
Tính tổng thể, Toyota dẫn đầu với 1.465 xe, đứng trên Vinamotor (906 chiếc). Tiếp theo là Vidamco (629), Vinaxuki (317) và Ford (298).
Trọng Nghiệp