2012 được Bộ Giao thông Vận tải xác định là năm chất lượng công trình với hàng loạt biện pháp tăng cường chất lượng đầu tư, như: kiểm tra hiện trường, tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, hoàn thiện tiêu chuẩn trong xây dựng công trình... Nhờ vậy, nhiều dự án đạt và vượt tiến độ, như đường trên cao vành đai 3 Hà Nội, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cảng Cái Mép - Thị Vải, cầu Bến Thủy II, cầu Rạch Chiếc, cảng hàng không Phú Quốc... Bộ đã giải ngân 39.500 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với năm trước.
Lần đầu tiên trong 10 năm, số người chết vì tai nạn giao thông trong cả nước giảm dưới 10.000. Toàn quốc đã xảy ra hơn 36.300 vụ tai nạn, giảm 16%, làm chết hơn 9.800 người, giảm 14%, có 38.000 người bị thương, giảm 20%.
Tại các thành phố lớn, ùn tắc giao thông có chuyển biến rõ rệt nhờ các giải pháp, như: tăng vận tải khách công cộng, xây cầu vượt tại nút giao thông lớn… Hà Nội đã giảm từ 124 điểm ùn tắc hiện còn 67, TP HCM có 120 điểm ùn tắc, nay đã giảm còn 76.
![]() |
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Không thay đổi cách quản lý thì 10 năm sau quay lại chúng ta vẫn là yếu nhất". Ảnh: ĐL. |
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2012, Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo nhiều địa phương đã kêu thiếu vốn cho hạ tầng giao thông. Ông Bùi Xuân Cường, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM cho rằng, thiếu vốn khiến một số công trình hạ tầng của thành phố không thể triển khai, như 15 km vành đai 2 còn dang dở vì thiếu 15.000 tỷ đồng. Thành phố đã tìm kiếm nguồn vốn, song do doanh nghiệp khó khăn chung nên chưa có.
Ông Nguyễn Văn Thể, Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, phản ánh dự án đường Hồ Chí Minh đang thi công kéo dài tại Đồng Tháp đã khiến số tai nạn giao thông tăng cao, tỉnh mong kết thúc công trình này trong năm 2013. Nhiều tuyến quốc lộ có chất lượng kém hơn đường tỉnh lộ, song không được sửa chữa, tu bổ.
Giám đốc Sở Giao thông Đà Nẵng Đặng Việt Dũng nêu thực trạng nhiều doanh nghiệp vận tải lắp thiết bị hành trình để đối phó, không hiệu quả. Sở kiến nghị Tổng cục Đường bộ đồng bộ hóa thiết bị hành trình, xem xét xây dựng trung tâm điều hành vận tải để quản lý vận tải tuyến cố định tại mỗi địa phương.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đánh giá cao nỗ lực của ngành giao thông trong việc kiềm chế, giảm tai nạn giao thông, giảm được số người chết dưới 10.000. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra điểm yếu trong quản lý xây dựng, ít có tiêu chí đánh giá chủ đầu tư nào tốt. Khi kiểm tra có nhiều dự án hiệu quả không cao do chủ đầu tư và ban quản lý kém.
"Chúng ta đạt được nhiều kết quả, ra nhiều công trình song vẫn rất kém về chất lượng, hiệu quả, tiến độ. Cần nâng cao chất lượng quản lý xây dựng từ khâu quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, năng lực của tư vấn, ban quản lý dự án", Phó thủ tướng yêu cầu.
Ông Hoàng Trung Hải chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan lớn nhất về đầu tư xây dựng nên kinh nghiệm, cách quản lý phải hiệu quả. Trong bối cảnh vốn đầu tư cho năm 2013 chỉ bằng một nửa năm 2012 thì ngành giao thông cần có nhiều biện pháp kêu gọi vốn đầu tư xã hội bởi nguồn vốn trong xã hội còn rất lớn.
"Không thay đổi cách quản lý thì 10 năm sau quay lại chúng ta vẫn là yếu nhất, trong khi người ta làm đường chỉ 2 năm thì mình làm 4 năm, người ta làm 4 triệu một km thì mình làm 8 triệu, rồi lại đổ hết cho khách quan như mưa gió, do dân không đồng tình...", Phó thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng mục tiêu giảm tai nạn và ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn vẫn phải thực hiện. Đặc biệt, cần có biện pháp tăng diện tích đất dành cho giao thông.
"Ôtô tăng 12% mỗi năm, trong khi đất cho giao thông tĩnh vẫn dưới 1% như cách đây 5 năm. Chúng ta phải cương quyết, có tiêu chí cụ thể mỗi năm thêm bao nhiêu đất cho giao thông. Về sau, khi các hiệp định dỡ bỏ, thuế nhập khẩu ôtô bằng 0, đất cho giao thông không có thì chúng ta nỗ lực đến mấy thì đường vẫn ùn tắc", Phó thủ tướng nhắc nhở.
Năm 2013, ngành giao thông phấn đấu tiếp tục giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí, từ 5 đến 10% số vụ tai nạn, số người chết và bị thương so với năm 2012. Đây sẽ là năm “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ và ý thức tự giác của người tham gia giao thông”. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện “Năm kỷ cương, chất lượng, tiến độ công trình giao thông”, hoàn thành giải ngân tất cả nguồn vốn được giao và xin ứng trước kế hoạch năm 2014 để đẩy nhanh tiến độ công trình đưa vào khai thác. Năm 2013, ngành giao thông được giao thực hiện đầu tư công trình bằng nguồn vốn ngân sách là hơn 6.200 tỷ đồng và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 13.000 tỷ đồng. |
Đoàn Loan