Ông Đặng Trần Khanh, phó phòng Kiểm định chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết các trung tâm đăng kiểm vẫn hoạt động trong gian đoạn giãn cách xã hội, trừ một số nơi do nằm trong vùng dịch buộc phải đóng cửa tạm thời. Với thực tế này, CSGT các địa phương linh hoạt xử lý, nhất là những nơi đang áp dụng giãn cách xã hội như Hà Nội và TP HCM.
Thượng tá Nguyễn Đình Dương, trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TP HCM cho biết: "Xe hết hạn đăng kiểm trong thời gian giãn cách xã hội, chủ xe không đăng kiểm được, khi lưu thông ra đường trong trường hợp cần thiết theo quy định thì không bị xử phạt hành chính". Nhưng nếu xe quá hạn đăng kiểm vẫn ra đường vì mục đích không thiết yếu thì bị xử phạt như bình thường.
"Khi hết giãn cách xã hội, chủ xe mang ôtô hết hạn đăng kiểm (trong thời gian giãn cách) đi đăng kiểm thì CSGT giải quyết cho họ đi đăng kiểm, không xử phạt", thượng tá Dương nói thêm.
Để hỗ trợ các trường hợp ôtô sắp hoặc đã hết hạn đăng kiểm trong gian đoạn giãn cách xã hội, Sở GTVT TP HCM có công văn số 6558 gửi lực lượng chức năng, đề nghị tạm thời không xử lý khi chủ phương tiện đưa xe đến trung tâm đăng kiểm. Tuy nhiên, việc này chỉ áp dụng đối với các đơn vị vận tải hành khách, xe chở nhu yếu phẩm, xe công vụ, xe phục vụ hoạt động chống dịch.
Ông Đỗ Ngọc Hải, trưởng phòng vận tải thuộc Sở GTVT cho biết thêm, ôtô cá nhân không phải lực lượng chống dịch, ra đường không vì nhu cầu thiết yếu tạm thời ngưng đăng kiểm trong giai đoạn giãn cách xã hội. "Khi hết giãn cách, chủ xe đưa xe đi đăng kiểm nếu hết hạn đúng trong giai đoạn giãn cách thì lực lượng chức năng hỗ trợ xử lý linh động, không xử lý vi phạm", ông nói.
TP HCM đang trải qua đợt giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 lần thứ hai, kéo dài đến 1/8. Lần áp dụng trước đó từ 9/7.
Tại Hà Nội, lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16 bắt đầu từ 24/7. Tương tự TP HCM, các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội vẫn mở cửa nhưng một số nơi tạm ngưng vì dịch bùng phát tại cơ sở.
CSGT Hà Nội cho biết chủ xe vẫn có thể đi đăng kiểm, nếu trình bày được lý do đăng kiểm để sử dụng xe vào mục đích thiết yếu, hoặc công tác, làm việc nếu có giấy xác nhận của cơ quan. Bởi vẫn đăng kiểm được, nên nếu xe ra đường hết hạn đăng kiểm vẫn bị xử phạt bình thường. Nếu ra đường với mục đích không thiết yếu thì sẽ bị xử phạt lỗi này trước, chỉ xử phạt một lỗi.
Phòng CSGT công an TP Hà Nội ra thông báo ngừng đăng ký mới với ôtô, xe máy và sang tên đối với các xe cũ đã qua sử dụng. Xe đã mua bán nhưng chưa kịp đăng ký mới sẽ không được di chuyển cho tới thời điểm hết giãn cách để làm thủ tục đăng ký ra biển số.
Nghị định 100/2019 quy định tài xế hoặc chủ xe giao ôtô quá hạn đăng kiểm cho tài xế đều bị phạt, tước giấy phép lái xe 1-3 tháng:
Quá đăng kiểm | Mức phạt với tài xế |
Mức phạt với chủ ôtô* giao xe cho người khác |
Dưới 1 tháng | 2-3 triệu đồng | 4-6 triệu đồng (Cá nhân) |
8-12 triệu đồng (Tổ chức) | ||
Tước GPLX 1-3 tháng | ||
Từ 1 tháng trở lên | 4-6 triệu đồng | 6-8 triệu đồng (Cá nhân) |
12-16 triệu đồng (Tổ chức) | ||
Tước GPLX 1-3 tháng |
* Trường hợp chủ ôtô cũng là người điều khiển ôtô (tài xế) lưu thông trên đường có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) nhưng đã hết hạn sử dụng dưới hoặc từ 1 tháng trở lên (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc), mức phạt áp dụng là mức dành cho chủ xe.
Đây là mức phạt mà tài xế, người sở hữu xe phải chịu nếu bị CSGT phát hiện. Khi đi làm thủ tục đăng kiểm, cơ quan đăng kiểm không có trách nhiệm thu những khoản này mà chỉ thu phí bảo trì đường bộ nộp chậm, tính đến ngày làm đăng kiểm.
Đoàn Dũng - Thành Nhạn