Theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (ngoài hợp đồng), người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Khoản 2 điều này quy định người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Điều 156 Bộ luật Dân sự quy định sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Bản thân sự kiện mưa bão có thể được coi là sự kiện bất khả kháng (ví dụ do mưa bão, đường phố bị ngập lụt nên việc giao hàng bị chậm trễ, bên giao hàng đã làm mọi cách nhưng không thể di chuyển nhanh hơn dẫn đến giao hàng trễ hạn). Trường hợp này được hiểu là bên giao hàng không có lỗi trong việc giao hàng chậm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Tuy nhiên, đối với trường hợp đường phố bị ngập lụt thì người lái xe phải biết và pháp luật cũng buộc họ phải biết việc đi nhanh sẽ tạo sóng lớn gây nguy hiểm cho các phương tiện nhỏ hơn đi bên cạnh hoặc tài sản nhà dân hai bên đường. Việc cho rằng phải đi nhanh nếu không ôtô sẽ chết máy không phải căn cứ xác định thuộc trường hợp bất khả kháng.
Về mặt kỹ thuật, khi đường bị ngập lụt, người lái xe hoàn toàn có thể điều khiển phương tiện đi chậm để không tạo sóng lớn (tắt điều hòa, đi số nhỏ, đều chân ga, nếu cần thì có thể kết hợp phanh tay ở mức độ vừa phải để hãm không cho xe đi quá nhanh nhưng vẫn giữ đều ga...). Điều này cho thấy, người điều khiển ô tô đã đã không "áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép" khi điều khiển phương tiện nên không thuộc trường hợp bất khả kháng.
Trường hợp đã áp dụng các kỹ thuật cần thiết nhưng xe vẫn bị chết máy (nước ngập quá họng hút gió của xe) thì người điều khiển phương tiện cũng phải chấp nhận hậu quả chứ không thể lấy lý do đi chậm xe sẽ chết máy nên phải đi nhanh và sẵn sàng gây thiệt hại cho người khác.
Do vậy, việc tô đi nhanh tạo sóng lớn làm đổ xe máy đi bên cạnh, gây thiệt hại về sức khỏe cho người điều khiển xe máy hoặc làm hư hỏng tài sản nhà dân ven đường thì tài xế hoàn toàn có lỗi và phải bồi thường. Người bị thiệt hại về sức khỏe, tài sản có quyền yêu cầu người gây thiệt hại ở lại để giải quyết việc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội