Mới đây, Thượng viện California đã thông qua dự luật SB 961, trong đó yêu cầu lắp đặt "bộ giới hạn tốc độ thụ động" trên 50% ôtô mới được sản xuất hoặc bán ra tại tiểu bang California trước 2029, và tăng lên 100% xe vào 2032.
Cụ thể, bộ giới hạn tốc độ thụ động là một hệ thống cảnh báo tài xế bằng tín hiệu âm thanh và hình ảnh khi tốc độ của họ vượt quá tốc độ giới hạn hơn 10 dặm/giờ (khoảng 16 km/h), được đo lường qua GPS và đối chiếu với tốc độ giới hạn được định sẵn. Dự luật sẽ áp dụng cho tất cả các xe tải, xe buýt và xe chở khách. Các phương tiện khẩn cấp (ví dụ xe cứu hỏa, xe cấp cứu) được miễn yêu cầu giới hạn tốc độ thụ động.
Đề nghị trên được đưa ra bởi Thượng nghị sĩ Scott Wiener, giúp California trở thành tiểu bang đầu tiên trong cả nước Mỹ ban hành yêu cầu về an toàn giới hạn tốc độ. Hệ thống cảnh báo tương tự cũng được triển khai tại châu Âu bắt đầu từ tháng 7 năm nay. Hai cơ quan an toàn lớn tại Mỹ là Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (NTSB) và Viện Bảo hiểm và an toàn đường cao tốc Mỹ (IIHS) đều khuyến nghị triển khai hệ thống trên ở cấp liên bang.
Theo ông Wiener, số ca tử vong của người lái xe, người đi bộ và người đi xe đạp trong những năm qua, đặc biệt là kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã gia tăng "một cách đáng kinh ngạc". Báo cáo An toàn giao thông năm 2023 của Văn phòng An toàn giao thông California cho thấy các vụ tai nạn chết người liên quan đến việc lái xe khi say rượu và ma túy, người lái môtô, tài xế vị thành niên gia tăng đáng kể từ năm 2020 đến năm 2021.
Tại châu Âu, hệ thống cảnh báo tốc độ sắp được triển khai hoạt động theo từng giai đoạn, tuy nhiên tài xế luôn nắm quyền kiểm soát tốc độ của xe. Hệ thống có 4 cách để cảnh báo, bao gồm âm thanh, rung, phản hồi xúc giác thông qua chân ga (đẩy nhẹ chân ga về hướng ngược lại để khiến tài xế nhận biết quá tốc độ), và cuối cùng là tự động can thiệp trực tiếp vào tốc độ của xe, tuy nhiên tài xế vẫn có thể tăng tốc và bỏ qua cảnh báo trong mọi trường hợp.
Hồ Tân (theo Road and Track)