Năm 2011, 2015 và 2017 là ba cột mốc quan trọng của bức tranh xe nhập khẩu loại 9 chỗ trở xuống trong một thập kỷ qua.
Nguồn: Tổng cục Hải quan
2011 - Thông tư 20 "chặn cửa" xe nhập không chính hãng
Năm 2006, Chính phủ cho phép các showroom nhập xe cũ bên cạnh xe mới, lngười buôn ôtô tăng lên chóng mặt. Tâm lý khách hàng bấy giờ, thay vì xe lắp ráp, họ bỏ nhiều tiền hơn để mua xe nhập khẩu nhưng an tâm về chất lượng.
Sự phát triển tràn lan của các showroom buôn xe kéo theo hệ lụy như chất lượng xe suy giảm do bảo quản, chính sách hậu mãi, bảo dưỡng không được chú trọng. Lượng xe về nhiều nhưng nhu cầu khách hàng thấp nên tình trạng ứ đọng nguồn cung xuất hiện từ 2009. Xe nhập khẩu khi đó bắt đầu giảm nhiệt về lượng.
Đến tháng 5/2011, Chính phủ muốn đưa việc kinh doanh ôtô nhập vào khuôn khổ để bảo vệ quyền lợi khách hàng, thông tư 20 của Bộ Công thương ra đời. Nội dung quan trọng nhất của văn bản này là xe nhập khẩu mới phải do đại lý chính hãng nhập khẩu.
Các showroom tư nhân không thể nhập khẩu xe mới, chỉ còn cách "lách" theo đường quà biếu, tặng. Nhiều đơn vị kinh doanh phải giải thể, chuyển sang buôn bán mặt hàng khác, sang nhượng lại mặt bằng. Cuộc thanh lọc thị trường diễn ra khi đó đem đến hiệu ứng gần như tức thì. 2012 trở thành năm thiết lập mức đáy của lượng xe nhập về Việt Nam.
Một năm sau đó, những dấu hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện trong 2013. Khi môi trường kinh doanh ổn định trở lại, số lượng xe nhập về nước nhỉnh hơn khoảng gần 2.000 xe so với 2012.
Đà phục hồi của xe nhập khẩu tiếp tục diễn ra trong 2014 nhưng với mức tăng ấn tượng, hơn 16.000 xe so với 2013. Nền kinh tế tăng trưởng ổn định trong giai đoạn này (sau suy thoái kinh tế) mở ra triển vọng về sức mua dồi dào. Các hãng phổ thông lẫn hạng sang nắm bắt xu hướng, đẩy mạnh việc nhập khẩu.
2015-2017 - lập đỉnh rồi lại suy giảm
2015 thiết lập mức đỉnh so với giai đoạn trước, khoảng 51.400 xe về nước. Tuy nhiên, sau 3 năm liên tiếp 2013-2015 tăng trưởng từ đáy của năm 2012, xe nhập khẩu một lần nữa quay đầu giảm về lượng vào 2016.
Thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN bắt đầu giảm về 40% trong 2016 và về 0% vào 2018. Phản ứng của khách hàng khi đó chờ đợi, chần chừ mua xe bởi muốn chờ thêm hai năm để hưởng thuế 0%. Thuế giảm đồng nghĩa giá xe có thể giảm.
Khách hàng đủng đỉnh khiến thị trường xe nhập chững lại. Khách giảm nhiệt mua xe, đại lý không thể nhập về ồ ạt bởi chi phí vận chuyển, lưu kho, marketing là không hề nhỏ. Lượng xe nhập sụt giảm trong 2016.
2017 - "chặn cửa" lần hai với xe nhập
2017 có thể xem là mốc thời gian nhạy cảm, bởi sát với thời điểm 2018 khi thuế nhập khẩu các dòng xe con nguyên chiếc từ ASEAN về 0%. Nhiều hãng chuẩn bị sẵn phương án nhập khẩu xe từ Indonesia, Thái Lan, thay cho xe lắp ráp. Ván bài ngửa được bày ra, xe nhập có cơ hội tràn về nước và chiếm ưu thế trước xe lắp ráp.
Nhưng cuối tháng 10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 116 siết chặt các điều kiện kinh doanh xe nhập với yêu cầu khó "các hãng muốn nhập xe phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại VTA của nước ngoài". Quyết sách như một gáo nước lạnh với các hãng xe có sản phẩm nhập khẩu, cả chính hãng lẫn tư nhân.
Với các liên doanh chính hãng, kế hoạch nhập xe đã được phê duyệt và gửi đến nhà máy nước ngoài, bỗng dưng phải gác lại vì yêu cầu VTA. Trong khi đó, giấy ủy quyền triệu hồi, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp linh, phụ kiện từ hãng mẹ là những điều gần như không thể với các showroom tư nhân. "Lối chừa" kinh doanh xe lướt sau Thông tư 20 vì thế cũng không còn.
Nghị định 116 được coi là bước phát triển cao hơn của Thông tư 20 để thanh lọc thị trường, đưa việc kinh doanh xe nhập khẩu vào tầm kiểm soát. Nghị định cũng tạo thế cân bằng, ưu tiên cho xe lắp ráp nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô nội địa phát triển.
2018 - xe nhập một năm chia nửa buồn vui
Ban hành chỉ hơn hai tháng trước thời điểm bản lề 2018, Nghị định 116 khiến xe nhập không thể bứt lên, cục diện thị trường vì thế thay đổi.
Nửa đầu 2018, thị trường xe nhập khẩu gần như tê liệt vì nhiều hãng không kịp hoàn thiện các thủ tục nhập khẩu theo yêu cầu của cơ quan chức năng. Lượng xe nhập vì thế giảm mạnh so với cùng kỳ 2017.
Xe nhập khẩu không thể về nước, xe lắp ráp trong nước cung không đủ cầu khiến đầu 2018 (trùng Tết Nguyên đán), thị trường rơi vào cảnh "không có xe để bán". Tận dụng sức mua tăng mạnh nhưng nguồn hàng khan hiếm, các đại lý được dịp làm giá. Khái niệm ôtô giảm giá trong 2018 nhanh chóng vỡ tan.
Nửa sau của 2018, khi giấy VTA cơ bản được giải quyết, xe con nguyên chiếc nhập khẩu lại về ồ ạt. vượt tổng lượng trong 2017. Tiếp đà tăng, chỉ nửa đầu 2019, lượng xe nhập đã vượt qua cả năm 2018. Khi những rào cản về chính sách được gỡ bỏ, xe nhập khẩu chủ yếu từ Indonesia, Thái Lan tiếp tục đổ về Việt Nam.
Ưu điểm của mức thuế 0% khiến các hãng không ngừng nhập xe. Trong khi đó, các chính sách của Chính phủ trong hai năm trở lại đây chặt chẽ hơn trước rất nhiều. Các chuyên gia trong ngành đánh giá, Chính phủ muốn Việt Nam có một nền công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô đúng nghĩa, bởi vậy việc chặn xe nhập là điều khó tránh trong tương lai.
Thành Nhạn