Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đang giáng những đòn mạnh vào ngành công nghiệp ôtô Mỹ, trong đó có các xưởng sửa chữa. Việc tìm được đủ lượng linh phụ kiện mà thông thường "dễ như trở bàn tay" nay trở thành thách thức lớn, từ lọc dầu cho đến lót sàn, khiến các garage phải lùng sục tới số hàng dự trữ vốn ngày càng ít ỏi. Thời gian chậm trễ bình thường chỉ khoảng 2-3 ngày giờ đây có thể kéo dài hàng tuần.
Tình trạng thiếu chip trên toàn thế giới khiến quá trình sản xuất xe mới đình trệ, dẫn tới nhu cầu tăng và tăng giá xe cũ, đồng thời buộc người tiêu dùng phải giữ một chiếc xe cũ lâu hơn thông thường. Đổi lại, những chiếc xe cũ này cũng cần phải sửa chữa, dẫn tới mớ bòng bong trong chuỗi cung ứng.
Ở khu ngoại ô Seattle, Bryan Kelley, một chủ garage đã chờ linh kiện trong 60-90 ngày cho hai đợt đặt hàng khi phải sửa các mẫu xe bán tải. Một trong số linh kiện - một cảm biến vị trí trục khuỷu - thưởng chỉ mất nửa tiếng để lấy từ trung tâm phân phối, theo Kelley. Nhưng giờ đây, thời gian chờ lâu đến mức chủ của chiếc Dodge Ram 1500 gần như đã đầu hàng. "Anh ấy bảo sẽ mua một chiếc bán tải khác", Kelley nói.
Ngành công nghiệp sửa chữa và đồ linh phụ kiện ôtô trị giá 300 tỷ USD đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong hoạt động, từ giá thép leo thang cho đến việc thiếu hụt lực lượng lao động và sự chậm trễ trong việc bốc dỡ hàng hóa tại các cảng biển, theo Paul McCarthy, giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà cung ứng linh phụ kiện ôtô Mỹ (AASA).
"Không có xưởng nào còn đồ dự trữ, từ các đại lý ủy quyền - những nơi lấy phụ kiện từ các hãng xe - các kho hàng độc lập hay các garage nhỏ lẻ", McCarthy cho biết.
William Rhodes, CEO của AutoZone - công ty bán lẻ linh phụ kiện ôtô - nói hồi tháng 9, rằng: "Đây là tình cảnh khó khăn nhất của chuỗi cung ứng mà tôi từng chứng kiến. Mức độ dự trữ thấp nhất mà tôi nhớ".
Lúc này, thợ kỹ thuật tuyến đầu đang phải nỗ lực sáng tạo trong khi phải giúp các chủ xe bình tĩnh trước những tin xấu.
Tại khu ngoại ô Philadelphia, do bị ngập nước do bão Ida hồi tháng 9, nội thất chiếc Nissan Sentra của Lisa Matlock bị ẩm mốc và nồng mùi hôi. "Tôi không biết bắt đầu như thế nào để tả về thứ mùi này", Matlock nói.
Không thể tìm được tấm lót sàn thay thế, thợ kỹ thuật ở Colket Technical Servives tại Lansdale, bang Pennsylvania, chỉ có thể tháo lót sàn cũ, giặt thật sạch và lắp trả lại.
Matlock hiểu rõ tình hình khi chủ garage, Ross Colket giải thích rằng anh không thể tìm được lót sàn ở bất cứ đâu. Là nhân viên một cửa hàng tiện lợi, Matlock cũng không thể tìm được các vỏ hộp nhựa để đựng bánh mì kẹp bán mang đi cho cửa hàng của cô. "Tôi không ngạc nhiên và cũng không giục Ross khi anh ấy gặp khó", chủ nhân chiếc Nissan nói.
Tích trữ đang trở thành hành động quen thuộc, đặc biệt với những món đồ khan hiếm.
Danny Tomasian, quản lý của một dịch vụ bảo dưỡng ôtô ở Bethesda, bang Maryland, cho biết: "Lọc dầu đang ngày càng khó kiếm, vì thế tôi mua và mua nhiều nhất có thể".
Việc sửa chữa ôtô ở Mỹ ngày càng trở nên khó khăn do linh phụ kiện sản xuất ở châu Á gặp rối ren giữa tình trạng vận chuyển tắc nghẽn trên toàn cầu.
Xu Haidong, phó giám đốc kỹ thuật tại Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc (CAAM), nói rằng việc sản xuất và cung ứng linh kiện đủ cho Trung Quốc. Ở Nhật, một số linh kiện điện tử đang trở nên khó kiếm, như các hệ thống định vị, nhưng những phụ kiện khác vẫn có sẵn, theo Hiroshi Arai, tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán buôn linh kiện ôtô Nhật Bản.
Lúc này, ngành công nghiệp linh phụ kiện ôtô ở Mỹ đang phải chống chọi với cuộc khủng hoảng thiếu cho tới năm sau, theo McCarthy. Ở Philadelphia, Colket đang phải nỗ lực vượt khó.
Mỹ Anh (theo Bloomberg)