Tuy nhiên lời giải bài toán này không dễ do hầu hết thành phố đều đã phát triển hàng trăm năm, việc mở rộng đường gần như là bất khả thi do chi phí đền bù giải tỏa cực lớn. Lúc đó, các nhà quản lý thường khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng và hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.
Ở Việt Nam, có nhiều tiếng nói tranh cãi cho rằng xe máy là nguyên nhân chính gây ra tắc đường vì các phương tiện này dừng và chuyển hướng vô tội vạ, không tuân thủ khoảng cách, làn đường và thậm chí đi ngược chiều. Ở một phía khác, có ý kiến cho rằng ôtô mới là nguyên nhân gây tắc đường do chiếm dụng diện tích mặt đường, bán kính quay đầu lớn không phù hợp với hạ tầng đô thị. Các tài xế ôtô đi lùi, đi ngược chiều, đỗ bất chấp cũng không hề ít. Bản thân tôi chứng kiến nhiều cãi vã, thậm chí là va chạm của chủ các loại phương tiện này. Ai cũng cho rằng đối phương là nguyên nhân gây tắc đường.
Có thể khẳng định rằng ý thức tham gia giao thông là một yếu tố quan trọng. Nhưng nếu bỏ đi yếu tố này, thì phương tiện nào tệ hơn từ góc nhìn quy hoạch giao thông? Câu trả lời không chỉ nằm ở diện tích đường chiếm dụng mà còn ở lưu tốc, tỷ lệ làn và khoảng cách an toàn.
Đối với các nước phương Tây, câu trả lời tương đối đơn giản. Do tốc độ di chuyển cao, các phương tiện vẫn phải giữ khoảng cách an toàn, nên xe máy vẫn chiếm nguyên một làn và chiếm dụng mặt đường giống như ôtô. Người dân thường luôn chọn ôtô vì lý do an toàn nếu xảy ra va chạm ở tốc độ cao. Bên cạnh đó, người dân thường di chuyển hàng chục km qua nhiều điều kiện giao thông khác nhau để đi làm. Thế nên tỉ lệ xe máy rất nhỏ, thường chỉ dành cho người có sở thích xe phân khối lớn, hoặc di chuyển quãng ngắn tại khu đông dân cư.
Ở Việt Nam câu trả lời có thể khác. Khi các phương tiện này di chuyển với tốc độ trung bình của phương tiện thì xe máy có ưu thế hơn khoảng 40%, mặc dù tốc độ của ôtô lớn hơn. Lợi thế này biến mất nếu ôtô chở đầy và xe máy cũng chở hai. Tuy nhiên thực tế ghi nhận của tôi, tỉ lệ trung bình người trên phương tiện của ôtô và xe máy không quá khác biệt, là 1,49 và 1,45. Khi có việc thì người cần phải đi vẫn đi, không vì có ôtô mà chia sẻ chuyến đi với thêm người.
Khi phải chia sẻ làn, các phương tiện sẽ di chuyển cùng tốc độ. Lúc này ôtô vẫn không có thêm lợi thế nào vì số lượng xe tăng lên nhưng lưu tốc giảm xuống. Nếu các xe đều di chuyển với tốc độ thông thoáng trong đô thị thì xe máy càng có lợi thế, với khả năng lưu thông gần gấp đôi ôtô. Và khi di chuyển chậm, ôtô thực sự là "chướng ngại vật" ngốn ít nhất bốn lần diện tích đường so với xe máy. Điều này có thể lý giải một phần vì sao Hà Nội cứ mưa là tắc đường khủng hoảng. Khi mưa, lượng ôtô trên đường tăng đột biến vì người dân gọi xe, hoặc lấy ôtô ra đi nếu có cả hai phương tiện. Thời tiết xấu làm giảm tầm nhìn, góc quan sát, tốc độ di chuyển và tăng khả năng tắc nghẽn. Có nhiều lái xe cho rằng, việc phải giảm tốc là do phải chia sẻ làn với xe máy. Nếu cấm xe máy, ôtô vẫn có thể có lưu tốc cao dù thời tiết xấu. Điều này chỉ đúng một phần vì thực trạng đô thị ở Việt Nam là vỉa hè nhỏ, nhà làm sát ra mặt đường. Vậy nên, khi thời tiết xấu, ôtô vẫn phải giảm tốc và quan sát.
Tôi đã thực hiện thử một số mô phỏng ở ngã tư có đèn giao thông trong điều kiện thông thoáng với 200 người và các loại phương tiện khác nhau. Trong khi xe máy cần trung bình khoảng 2:59 phút để lưu thông thì ôtô cần tới 8:08 phút. Với các trường hợp đường hẹp, góc cua nhỏ, phải giảm tốc như ở Việt Nam, ôtô sẽ còn tốn nhiều thời gian hơn nhiều lần. Việc thiếu chỗ đỗ xe làm ôtô đậu trên vỉa hè, lòng lề đường còn gây tình trạng tắc trầm trọng hơn. Khi một phương tiện vì lý do nào đó dừng lại trên đường hai làn, ôtô hình thành nút cổ chai gây chậm lưu thông gấp 11 lần xe máy. Như vậy, tôi cho rằng thủ phạm gây tắc đường nhiều hơn ở Việt Nam trong tình trạng hiện tại là ôtô, chứ không phải xe máy.
Tuy nhiên, các quốc gia đều ưu tiên phát triển quy hoạch cho ôtô vì đây là phương tiện được trang bị các thiết bị an toàn. Theo thống kê của bang Queensland Australia, mặc dù chỉ chiếm 2,6% số lượng xe đăng ký, xe máy chiếm tổng cộng 32% trường hợp nằm viện do tai nạn giao thông, đứng đầu nhóm các phương tiện (kể cả đường thủy và đi bộ). Ôtô cá nhân chiếm 60,5% số đăng ký nhưng chỉ chiếm 25% số tai nạn phải điều trị tại bệnh viện.
Mục đích của bài viết này không nhằm kêu gọi cấm ôtô hay xe máy, mà chỉ muốn làm rõ tính chất giao thông của từng loại phương tiện, từ đó mong muốn các lái xe ôtô hãy kiên nhẫn, trách nhiệm và tôn trọng người đi xe máy hơn. Các bạn được trang bị an toàn và đang sử dụng nhiều nguồn tài nguyên đường bộ hơn các loại phương tiện khác. Một xử lý sai của bạn, sẽ có thể gây ra tắc đường gấp 11 lần so với xe máy.
Tất nhiên, không có giải pháp hữu hiệu nào cho tình trạng tắc đường ở Việt Nam có thể bằng được việc nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, hạn chế xe cá nhân, phát triển hạ tầng giao thông công cộng tương ứng - những điều đều cần rất nhiều thời gian và tiền bạc.
Tô Thức