Trong khi xe điện vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ tổng doanh số ở Mỹ, thị phần của dòng xe này trên toàn thị trường đang trở nên đáng kể hơn ở châu Âu và Trung Quốc, và đang tăng mức độ ảnh hưởng khi công nghệ ngày càng phát triển. Sự tăng trưởng của doanh số xe điện cũng trái ngược với thị trường ôtô nói chung, với tác động từ những khó khăn của nền kinh tế, lạm phát và sự đứt gãy của chuỗi sản xuất.
Doanh số toàn cầu của dòng xe thuần điện là khoảng 7,8 triệu chiếc, tức tăng 68% so với 2021, theo LMC Automotive và EV-Volumes.com, các nhóm nghiên cứu về doanh số ôtô.
Trong cả năm 2022, xe thuần điện chiếm khoảng 11% tổng doanh số tại châu Âu và 19% ở Trung Quốc. Nếu tính cả xe hybrid sạc điện, thị phần của dòng xe điện hóa bán ở châu Âu tăng 20,3%.
Mỹ đang đi sau Trung Quốc và châu Âu về xe điện, nhưng trong 2022, các hãng ôtô bán được 807.180 xe thuần điện tại Mỹ, và thị phần đạt 5,8% so với 3,2% của 2021. Tesla vẫn là kẻ thống trị, nhưng lúc này, các hãng xe truyền thông đang rút ngắn khoảng cách với ngày càng nhiều các mẫu xe điện ra mắt trong thời gian ngắn.
Ở Đức, thị trường ôtô lớn nhất châu Âu, xe điện chiếm 25% số xe mới sản xuất trong 2022, theo VDA (Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Đức). Riêng trong tháng 12/2022, xe điện bán nhiều hơn xe động cơ đốt trong.
Tổng doanh số xe mới giảm khoảng 1%, với 80,6 triệu xe, theo LMC. Trong đó, Trung Quốc tăng 4%, còn cả Mỹ và châu Âu đều giảm, lần lượt là 8% và 7%, với nguyên nhân chủ yếu do sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, chi phí năng lượng tăng, đứt gãy chuỗi cung ứng và cuộc xung đột ở Ukraine.
BMW - hãng xe sang Đức - là một trong số nhiều hãng đón nhận sự tăng trưởng doanh số của dòng xe plug-in trong khi tổng doanh số toàn thị trường giảm. Cụ thể, doanh số xe mới của BMW giảm 5%, nhưng doanh số xe điện của hãng lại tăng hơn gấp đôi so với 2021.
Volkswagen - hãng xe lớn nhất châu Âu về doanh số - nói rằng tổng doanh số xe mới giảm 7%, đạt 8,3 triệu xe trong 2022, nhưng doanh số xe điện lại tăng 26%, với 572.100 xe bán ra. Con số này đã tính sản phẩm của những thương hiệu con, gồm Volkswagen, Porsche, Audi, Skoda và Seat.
Doanh số xe điện chủ yếu tích tụ ở châu Âu, nhưng doanh số tăng trưởng mạnh nhất lại ở Trung Quốc và Mỹ, theo Volkswagen.
Các hãng xe khác cũng có những kết quả tương tự. Ford hay Mercedes đều ghi nhận mức tăng doanh số xe điện hơn gấp đôi trong 2022, trong khi tổng doanh số giảm.
Các hãng xe châu Âu tập trung vào sản xuất xe điện và bán hàng tại các thị trường quê nhà trong khi nỗ lực đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải của EU. Năm 2022 cũng bắt đầu với việc nhiều thương hiệu mở rộng kinh doanh xe điện ở những thị trường quan trọng khác, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ.
Ở Trung Quốc, nơi chiếm khoảng 66% doanh số toàn cầu của dòng xe thuần điện, các hãng xe nội địa đang giành chỗ đứng của các thương hiệu truyền thống phương Tây, đồng thời bắt đầu mở rộng sang thị trường châu Âu và Mỹ.
Trên toàn cầu, Tesla duy trì vị trí đầu bảng về doanh số xe điện, theo sau là các hãng Trung Quốc, BYD và SAIC, rồi đến Volkswagen.
Ở Mỹ, Ford là hãng xe điện lớn thứ hai tính theo doanh số, tiếp theo là Hyundai, Kia. Trong khi đó, General Motors, Volkswagen và Nissan đều giảm thị phần xe điện trong 2022.
Trong khi xe điện cho thấy những dấu hiệu đang ngày càng được tiếp nhận rộng rãi trên toàn cầu, thì các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng trong 2023, tình hình có thể khó khăn khi những gánh nặng kinh tế vẫn đè trĩu trên vai người tiêu dùng, và những chính sách ưu đãi với xe điện đang giảm dần hoặc hoàn toàn bị loại bỏ ở một số quốc gia. Giá điện tăng ở châu Âu sau cuộc khủng hoảng Ukraine cũng giảm bớt ưu thế của xe điện so với xe động cơ đốt trong.
Nước Đức từng chứng kiến làn sóng mua sắm xe điện vào những ngày cuối cùng của tháng 12/2022, khi người tiêu dùng hối hả tận dụng những ưu đãi từ chính phủ trước khi bị cắt giảm trong năm nay. Kể từ 1/1, các chương trình hỗ trợ với xe điện có giá niêm yết đến khoảng 43.000 USD, sẽ giảm còn 4.900 USD so với 6.500 USD trước đây.
Trong ít năm qua, các hãng ôtô, đặc biệt ở châu Âu, đã nỗ lực tìm kiếm những linh kiện chủ chốt, như chip máy tính, để duy trì sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Sự không cân xứng giữa cung và cầu là lý do mà các hãng ôtô có báo cáo kinh doanh có lãi trong 2022 mặc dù doanh số giảm.
Nhưng những khó khăn hiện nay vẫn chưa thể được giải quyết trong tương lai gần, vì thế các hãng khó giữ mức giá cao với các mẫu xe mới do sẽ có ít khách hàng hơn. Điều này có thể dẫn tới việc phải giảm giá xe, vì thế lợi nhuận cũng sẽ giảm.
Mỹ Anh (theo WSJ)