Trong cuộc đua điện khí hóa ngành công nghiệp ôtô, Trung Quốc thiết lập tiêu chuẩn cao. Khi dòng xe năng lượng mới đang trở thành một "tay chơi" chính trên thị trường ôtô toàn cầu, các nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEM) của Trung Quốc cũng nhanh chóng chuyển dịch nhằm đảm bảo một vị thế vững chắc trong xu hướng mới.
Nhưng các thị trường khác cũng không ngồi im. Châu Âu đang vươn lên nhanh chóng, những hãng khổng lồ trên thế giới đã xong phần khởi động để tăng tốc trong cuộc đua. Trên chặng đường này, không chỉ đơn thuần thành công của các hãng xe, các OEM mà đó còn là các chính phủ, nơi chiến lược về phương tiện giao thông tương lai được sáng tỏ.
Sự quản lý, hỗ trợ và nhu cầu khách hàng ở Trung Quốc
Sự can thiệp mạnh tay và đầy khích lệ của chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thị trường xe điện Trung Quốc tăng trưởng. Từ việc đầu tư vào các startup cũng như hỗ trợ người mua xe, chính phủ nước này còn xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng sạc điện rộng khắp, nhằm giúp người tiêu dùng và các doanh nghiệp tự tin với dòng xe năng lượng mới.
Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ của chính phủ sẽ kết thúc trong 2022, nhu cầu khách hàng với xe điện sẽ chậm lại và có thể giảm dần đến khi các khoản hỗ trợ không còn. Nhưng mặc dù thế, lúc này, thị trường xe điện ở Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng và với việc nhiều OEM đang tìm kiếm mục tiêu mở rộng ở cả những nơi khác, quốc gia này vẫn duy trì vị thế thành công trong thời gian tới.
Từ 2016, Trung Quốc đã là thị trường tăng trưởng nhanh nhất và lớn nhất về xe điện trên toàn thế giới. Một loạt yếu tố giúp đẩy mạnh ưu thế, nhưng các chính sách hỗ trợ có tác động quan trọng nhất tới thị trường này trong một thập kỷ qua.
Nhờ chính phủ nhanh chóng nhận ra xe điện là cơ hội vàng để dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực ôtô, các hãng sản xuất hăm hở tham gia cuộc đua điện khí hóa và chiếm sân khấu trung tâm của thị trường xe điện, sớm hơn nhiều so với các đối thủ phương Tây.
Ở cấp độ quốc gia, chính phủ Trung Quốc cũng nhận thấy tiềm năng xe điện trở thành trụ cột của sự tăng trưởng kinh tế và vì thế, các doanh nghiệp cũng như khách hàng nội địa trở thành những khoản đầu tư khổng lồ.
Các OEM Trung Quốc giờ đây hướng sự chú ý vào việc mở rộng ra nước ngoài, trong khi các hãng sản xuất phương Tây cũng tìm đến châu Á vì những xu hướng chuyển dịch trong kết nối và công nghệ ôtô.
Dù tăng trưởng ấn tượng cùng độ ổn định ở thị trường xe điện, Trung Quốc vẫn cách xa so với mục tiêu tham vọng là 25% tổng số xe mới bán ra là xe năng lượng mới (NEV) tính đến hết 2025. Sự giảm tốc này là kết quả của việc giảm hỗ trợ từ chính phủ trong ít năm qua.
Trong khi đó, thị trường xe điện châu Âu tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn, dẫn tới câu hỏi: "Thành công đơn độc nhưng đang tụt dốc liệu có khiến chính phủ Trung Quốc phải can thiệp mạnh tay?".
Số mẫu xe bán ra tại những thị trường khu vực chủ chốt trong 2020 rất khác nhau. Ở Trung Quốc là 138, châu Âu là 60 và Mỹ là 17. Tuy nhiên, con số ở châu Âu được cho là tăng gấp 3 trong năm 2021.
Thời gian sẽ cho thấy mức độ tác động của chính sách quản lý cũng như hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc đối với thành công dài hạn của họ, nhưng giờ đây những người đứng đầu quốc gia này vẫn theo đuổi những gì đã đạt được ở thị trường xe điện nội địa. Sự hỗ trợ cũng như giảm thuế và các kế hoạch mới dành cho dòng xe năng lượng mới được áp dụng trong 1-2 năm tới sẽ giúp phân khúc này ở Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng.
Thế giới có thể học được gì từ Trung Quốc?
Có hai yếu tố được xác định là chất xúc tác đối với sự lớn mạnh nhanh chóng của Trung Quốc ở ngôi vị thống trị thị trường xe điện toàn cầu trong thời gian ngắn. Đầu tiên là khoản đầu tư khổng lồ ước tính 50 tỷ USD để thúc đẩy ngành này - kết hợp với sự can thiệp nghiêm túc, chiến lược tập trung để không chỉ hỗ trợ sản xuất, mà còn đưa ra một chương trình cơ sở hạ tầng toàn quốc.
Ở trung tâm của kế hoạch này là một sự cam kết sâu sắc, yếu tố dẫn tới sự vượt trội của xe điện và sẽ đưa Trung Quốc tới ngôi vị tối cao sau này.
Sự can thiệp mạnh tay của chính phủ giúp thị trường xe điện của Trung Quốc vươn lên ngôi dẫn đầu. Đỉnh cao là năm 2018, hơn 700.000 xe điện bán ra tại Trung Quốc - mức doanh số hàng năm cao nhất, theo Jato.
Cách tiếp cận nghiêm túc được áp dụng không chỉ nhằm tăng cường sự hấp dẫn của xe điện, mà còn ngăn người tiêu dùng mua ôtô xăng và dầu. Một ví dụ của điều này là ở Thượng Hải, với cách lưu hành biển số xe: mất 13.000 USD cho một chiếc xe với động cơ đốt trong, và miễn phí với một xe điện.
Khi so sánh với sự can thiệp của các chính phủ khác trên thế giới, dường như có một sự khác biệt. Ví dụ, khách hàng Trung Quốc được giảm giá nhiều nếu mua và sử dụng xe điện dựa theo số lượng cũng như tốc độ mua xe. Trong khi đó, Mỹ lại chỉ hỗ trợ cho người bán, giới hạn đối với các OEM trên số xe bán ra nên quá trình tăng trưởng chậm hơn.
Một nền kinh tế tập trung cũng góp phần vào thành công của Trung Quốc trong việc sử dụng xe điện, giúp kích hoạt chiến lược thực hành kết cấu hạ tầng hiệu quả, hỗ trợ xu hướng mới. Theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), số lượng trạm sạc nhanh và chậm công cộng trên toàn cầu đạt 862.118 điểm, trong khi Trung Quốc chiếm 60%.
Gần đây, nhiều chính phủ, gồm cả Anh, đã công bố có thể dừng bán ôtô mới chạy xăng và dầu sớm nhất là từ 2030 - yếu tố giúp người tiêu dùng thêm tự tin khi mua xe điện. Với những thị trường chưa phát triển về xe điện, điều cần làm lúc này là một kế hoạch tập trung tạo chất xúc tác cho sự tăng trưởng cũng như tạo môi trường tối ưu để xây dựng lòng tin của người tiêu dùng với việc mua và sử dụng xe điện theo cách đơn giản nhất có thể.
Trung Quốc có khả năng phá triển rất nhanh nhờ tầm quan trọng của sản xuất giá rẻ. Khi EU quyết định đẩy mạnh xe điện hạng sang, thì ngược lại, Trung Quốc tập trung vào các mẫu giá rẻ và kết quả là sự tiếp nhận đông đảo của người tiêu dùng. Trung Quốc cũng tiên phong trong việc sản xuất và bán xe SUV chạy điện, trong khi châu Âu và Mỹ tập trung nỗ lực vào xe cỡ trung.
Trừ một số ngoại lệ, phần lớn thị trường xe điện ở châu Âu và Mỹ có xu hướng dồn vào các phân khúc cao cấp.
Jato cũng chỉ ra khoảng cách giá bán giữa xe điện giữa Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Giá bán lẻ trung bình (không tính bất cứ khoản hỗ trợ nào) của xe điện ở châu Âu và Mỹ trong 2019 cao hơn xe ở Trung Quốc lần lượt là 58% và 52%.
Cụ thể, giá bán lẻ trung bình ở Mỹ là 55.300 USD, châu Âu là 48.100 USD, trong khi Trung Quốc là 29.900 USD. Sự khác biệt lớn này phần nào giải thích sự thâm nhập của xe điện ở mỗi thị trường là khác nhau.
Các OEM Trung Quốc nhanh chóng hiểu rằng dữ liệu đang thay đổi thị trường bởi về cơ bản, nhiều công ty coi những chiếc xe như một kết cấu dữ liệu di động. Cùng sự phát triển của thế hệ khách hàng gắn bó chặt chẽ với điện thoại di động, các OEM ít quan tâm hơn tới các khả năng của ôtô truyền thống và dành nhiều sự chú ý đối với công nghệ và dữ liệu.
Việc sử dụng dữ liệu bởi các OEM Trung Quốc giúp họ hiểu khách hàng ở một cấp độ khác, đồng thời tối ưu khách hàng mục tiêu của phân khúc. Ứng dụng dữ liệu diện rộng và các phép phân tích cũng giúp các OEM thấu hiểu sâu sắc sự ưu tiên của khách hàng - yếu tố có thể được sử đụng để phát triển một mẫu xe tốt hơn, dự đoán được thói quen mua sắm và giúp tăng doanh số.
Khách hàng khác nhau, mức độ thành công khác nhau
Thái độ, quan điểm là khác nhau, tùy từng thị trường, và điều này có thể thấy rõ khi so sánh thói quen của người tiêu dùng ở các thị trường khác nhau. Điển hình là những khác biệt trong thói quen giữa người tiêu dùng ở châu Âu và Trung Quốc. Quan điểm khác nhau có ý nghĩa quan trọng ở thị trường xe điện, và tạo ra những hình thái ảnh hưởng tùy thị trường.
Trung Quốc vẫn vượt trội ở thị trường xe điện. Và dù sự quản lý và can thiệp của chính phủ là không thể phủ nhận, thì thái độ của khách hàng cũng đóng vai trò quan trọng.
Sự trỗi dậy của công nghệ trong xã hội Trung Quốc cũng được xem xét nghiêm túc, với hơn 25% doanh số điện thoại thông minh bán ra trên toàn thế giới là ở quốc gia này. Sự ám ảnh về công nghệ vượt ra ngoài thế giới điện thoại - người tiêu dùng Trung Quốc và những người giỏi công nghệ thường đi đầu trong việc tiếp nhận xu hướng phát triển kỹ thuật số.
Vì thế, không ngạc nhiên khi người tiêu dùng Trung Quốc đang đòi hỏi nhiều đặc điểm kỹ thuật số hơn khi tiếp cận xe điện, và điều này chỉ tăng lên theo thời gian. Kết nối là yếu tố chìa khóa đối với khách hàng Trung Quốc.
Ví dụ, một nghiên cứu mới đây cho thấy khoảng 33% người tiêu dùng nước này tin rằng rất cần có kết nối trên xe hơi (so với 18% ở Đức). Một tỷ lệ ở mức cao khác phản ánh khách hàng cần các dịch vụ trên xe, và một nửa muốn đồng bộ hóa giữa các ứng dụng trên điện thoại với các dịch vụ của xe.
Bản chất kết nối của điện thoại thông minh - thứ vốn yêu cầu chia sẻ dữ liệu cùng sự hiện diện của một loạt ứng dụng - đã ăn sâu vào cuộc sống thường nhật ở Trung Quốc, khiến người tiêu dùng kém cảnh giác trước việc chia sẻ thông tin hơn so với khách hàng ở châu Âu. Cũng vì người Trung Quốc tỏ ra thoải mái hơn với dữ liệu của họ, các doanh nghiệp có điều kiện tốt hơn để hiểu thấu nhận thức của khách hàng, thói quen nghiên cứu và mua sắm, và đặc biệt là những sở thích riêng.
Điều này phản ánh việc sản xuất xe điện của Trung Quốc. Ví dụ, một trong những sản phẩm chạy điện bán chạy nhất là BYD Qin Pro. Mẫu xe này có hệ thống kết nối thông minh với công nghệ AI cùng tính năng lái tự động - những đặc điểm hấp dẫn đối với thế hệ trẻ.
Ở châu Âu, khách hàng vốn ngại ngần khi mua ôtô điện, không dám chắc về những khả năng của dòng xe này và thường trung thành với những gì họ đã biết rõ. Ví dụ, một báo cáo mới đây thấy rằng việc sử dụng ôtô điện ở châu Âu gặp trở ngại bởi hệ thống sạc không đủ tại một số khu vực. Khoản đầu tư ước tính 1,8 tỷ USD là cần thiết tính đến hết 2025 để cung cấp hệ thống trạm sạc công cộng tương thích.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng thiếu thốn hiện trở thành mối lo hàng đầu đối với khách hàng châu Âu khi họ bắt đầu coi xe điện như một sự lựa chọn thiết thực cho lần mua xe tiếp theo, và được cân nhắc nghiêm túc bởi sự tiện dụng khi sở hữu.
Còn có sự lo ngại về chặng đường mỗi lần sạc - lý do chính phía sau sự miễn cưỡng của người tiêu dùng châu Âu trước việc mua ôtô điện, nhưng công nghệ tiên tiến bắt đầu giúp thay đổi quan điểm.
Thực tế chứng minh điều đó, khi châu Âu ghi nhận doanh số xe điện tăng trưởng hơn bất cứ khu vực nào trên thế giới trong năm 2019. Và một trong những chất xúc tác chính là mối lo ngại tăng cao về biến đổi khí hậu. Người tiêu dùng châu Âu đang tìm kiếm cuộc sống bền vững hơn - được phản ánh qua thói quen mua sản phẩm xanh hơn - và việc mua ôtô không phải ngoại lệ.
Phần lớn các quốc gia châu Âu đã đặt ra những mục tiêu đối với biến đổi khí hậu. Như Anh đề xuất cấm mọi xe phát thải tính đến hết 2035 và mục tiêu không phát thải đến hết 2050. Ở Đức, chính phủ đã tăng gấp đôi mức hỗ trợ khi người dân mua ôtô điện, với 7.000 USD cho xe có giá dưới 45.000 USD. Còn khách hàng cá nhân tại Pháp mua xe điện giá đến 50.000 USD sẽ được giảm 8.000 USD.
Với việc thay đổi nhận thức cùng sự hỗ trợ từ chính phủ, ôtô điện ở châu Âu dường như sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Dự báo thị trường: điều gì tiếp theo ở Trung Quốc vào thời hậu trợ cấp?
Ở thị trường xe điện lớn nhất thế giới, quỹ đạo tăng trưởng hiện vẫn chưa rõ ràng. Sự chậm lại có thể do thiếu hỗ trợ từ chính phủ, và tỷ lệ tăng trưởng dự đoán không thể như trước.
Vốn dĩ Trung Quốc có kế hoạch dừng các khoản trợ cấp xe điện từ cuối 2020. Nhưng tháng 3 cùng năm, do thị trường xuống dốc bởi tác động từ dịch Covid-19, chính phủ nước này quyết định kéo dài thời gian áp dụng. Sự điều chỉnh giờ đây gồm cả khách hàng mua xe điện mới tính đến hết 2022 và miễn thuế cho hai năm.
Tuy nhiên, mức hỗ trợ không còn như trước, khi giảm 20% trong 2021 và 30% trong 2022. Kết quả nhãn tiền, năm 2020, châu Âu vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất về doanh số xe điện và plug-in hybrid (hybrid cắm sạc).
Điều không thay đổi ở đây chính là tham vọng của Trung Quốc trong vai trò tay chơi chính của toàn ngành công nghiệp ôtô thế giới. Nhưng quyết định giảm trợ cấp đã dẫn tới sự thay đổi quan trọng khác.
Nếu trước khi có dịch Covid-19, có hơn 400 công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực liên quan thì sau đó, một số đã phá sản do dựa dẫm vào trợ cấp. Những đơn vị còn lại khi đã vượt qua cơn giông bão lại có được vị trí chắc chắn hơn.
Mục tiêu của Trung Quốc còn là củng cố sức mạnh của các hãng ôtô nội địa và tạo ra dòng xe điện có thể cạnh tranh với các OEM phương Tây. Ví dụ, quyết định để những tay chơi nước ngoài như Tesla đặt chân vào Trung Quốc là cả một chiếc lược. Mẫu Model 3 hiện là ôtô điện phổ biến nhất Trung Quốc.
Với việc xây dựng nhà máy ở Thượng Hải, hãng xe Mỹ đã tận dụng được những đặc ân như các khoản vay ưu đãi từ các ngân hàng Trung Quốc và được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Sự phổ biến của Tesla ở Trung Quốc dường như đang ngày càng mạnh mẽ hơn, ít nhất trong thời kỳ ngắn hạn.
Để có được chuỗi cung ứng từ Tesla là sự vô giá khi giúp quốc gia Đông Á có cơ hội học hỏi và qua đó, chuyển giao sự hỗ trợ này sang cho các OEM nội địa. Giấc mơ của Trung Quốc là có một Tesla của riêng mình.
Bên ngoài thị trường nội địa, Trung Quốc tham vọng trở thành một siêu cường quốc về ôtô trên toàn cầu, cân nhắc đến việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường xe điện và coi đây là mục tiêu dài hạn.
Điều gì sẽ xảy ra ở châu Âu?
Doanh số ôtô điện ở châu Âu tăng vọt 137% trong 2020 so với một năm trước. Dịch Covid-19 không tác động tới sự tăng trưởng của xe điện ở châu lục này.
Thực tế, các quốc gia châu Âu đang tận dụng dịch bệnh như một tiền đề để hồi phục từ khủng hoảng, với việc các chính phủ đang tạo ra những chính sách hỗ trợ phụ như một phần của các chương trình kích thích kinh tế hậu Covid-19.
Nhưng có vẻ châu Âu đang bắt đầu nắm được xu hướng và châu lục này đang noi gương Trung Quốc bằng cách đẩy mạnh sự can thiệp từ chính phủ, nhằm tăng tốc và tăng trưởng trong cuộc đua về khí thải.
Na Uy hiện dẫn đầu châu Âu với cam kết rõ ràng về điện khí hóa kể từ những năm 1990. Với kế hoạch ban đầu có 100.000 xe sử dụng động cơ điện trên đường tính đến hết 2020, Na Uy đã vượt qua mục tiêu này ngay trong 2018.
Trong 2019, số xe thuần điện đăng ký ở Na Uy là 60.400 chiếc, tức chiếm 42% toàn thị trường. Trong 2020, con số này là 76.789 chiếc.
Nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang tìm cách bắt kịp cuộc đua bằng việc thể hiện tham vọng cùng những chính sách hỗ trợ hấp dẫn. Tham vọng của Đức là có 10 triệu xe điện và một triệu trạm sạc tính đến hết 2030. Trong hè này sẽ là gói kích cầu 152 tỷ USD thời hậu Covid-19 gồm cả phần trợ cấp để tăng doanh số xe điện.
Tại Pháp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết hơn 9 tỷ USD cho ngành công nghiệp ôtô như một phần của gói hỗ trợ phục hồi, và tăng trợ cấp cho việc mua ôtô điện, từ 7.000 USD lên thành 8.200 USD.
Cuộc đua xe điện - cuộc đua của các chính phủ
Hành trình đưa Trung Quốc trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới mới chỉ trong một thập kỷ qua và vẫn tiếp diễn, đòi hỏi sự can thiệp không nhỏ từ chính phủ. Các chính sách quốc gia sẽ giúp ngành công nghiệp mới này bỏ bớt những thủ tục rườm rà để đạt được thành công. Đặc biệt, khi sự tự tin của người tiêu dùng tăng cao dựa vào hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như giá bán phải chăng, sự can thiệp của chính phủ sẽ góp phần tạo ra công thức thành công của thị trường xe điện.
Điều này có thể thấy rõ khi nhìn vào những thị trường ngoài Trung Quốc. Như ở Na Uy, nỗ lực đẩy mạnh dòng xe điện từ những năm 1990 đã có những thành công lớn. Ở Mỹ, những chính sách nhẹ nhàng cũng góp phần đưa biểu đồ tăng trưởng của xe điện đi lên.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn duy trì mức cam kết đầy đủ đối với sự phát triển và cải cách của ngành công nghiệp ôtô cùng mục tiêu đưa xe điện chiếm 50% thị phần tính đến hết 2035.
Nhưng với việc châu Âu đang chuẩn bị cho sự bùng nổ tiếp theo của xe điện, cuộc đua toàn cầu đang ngày càng trở nên gay cấn.
Sự kết hợp của những chính sách hỗ trợ phóng khoáng cùng sự miễn cưỡng thiết lập các thương hiệu để bán nhiều xe điện hơn cần thiết nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải giúp các OEM Trung Quốc một cơ hội rõ ràng để tăng tốc.
Dường như những OEM này đã chấp nhận thách thức. Hiểu rằng những thương hiệu mang tính di sản có được sự ảnh hưởng nhất định đối với khách hàng châu Âu, các OEM Trung Quốc thâm nhập thị trường châu Âu - bằng cách mua cổ phần hoặc mua lại toàn bộ các OEM phương Tây - thay vì tìm cách bán thương hiệu cho khách hàng châu Âu.
Vẫn còn những khó khăn phía trước cho đến khi các OEM Trung Quốc thiết lập được một vị trí vững chắc tại châu Âu, và dường như chính phủ Trung Quốc không hề đi chệch hướng khỏi tham vọng lâu dài - xây dựng sức mạnh từ những tài năng ở quê nhà và tạo ra xe điện có thể cạnh tranh với các sản phẩm từ phương Tây.
Khi cân nhắc công thức áp dụng cho các OEM Trung Quốc tại thị trường quê nhà, những yếu tố chính được đưa ra: tầm quan trọng của những mẫu xe giá rẻ, đáp ứng được lựa chọn của khách hàng về sự đa dạng mẫu mã (gồm cả SUV), có công nghệ, thiết kế xuất phát từ sự thấu hiểu và từ dữ liệu khách hàng, hấp dẫn đối với giới trẻ.
Rất khó để hình dung ra đủ mọi yếu tố trên, khi áp dụng một cách chiến lược vào thị trường châu Âu, vì có thể không đủ hấp dẫn với khách hàng đại chúng. Vì thế cũng khó trả lời rằng xe điện Trung Quốc mất bao lâu để thâm nhập thành công vào thị trường châu Âu, trong trường hợp họ đạt được thành công.
Mỹ Anh