Theo báo cáo thuộc Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP), trong 2015-2018, khoảng 14 triệu xe cũ, gồm từ ôtô con, van và minibus được xuất khẩu từ các quốc gia giàu có sang những nơi khác. 80% số xe này cập bến ở những quốc gia và vùng lãnh thổ mà người dân có mức thu nhập thấp và trung bình, với hơn một nửa là tới châu Phi.
Lần đầu tiên đưa ra báo cáo thuộc lĩnh vực này, UNEP kêu gọi hành động nhằm hoàn thiện chính sách hiện hành với những tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu hợp lý, đảm bảo ôtô cũ sạch và an toàn hơn khi được xuất khẩu hay nhập khẩu.
Sự tăng trưởng của số lượng ôtô trên toàn cầu là yếu tố chính gây ô nhiễm không khí và thay đổi khí hậu. Lĩnh vực vận tải chịu trách nhiệm cho khoảng 25% lượng khí thải. Đặc biệt, khí thải ôtô là nguồn chính của bụi mịn và khí nitơ-oxit (khí NOx), là những nguyên nhân chính của ô nhiễm không khí đô thị.
Báo cáo - dựa trên phân tích của 146 quốc gia và vùng lãnh thổ - thấy rằng khoảng 66,7% trong số này có những chính sách "yếu" hoặc "rất yếu" để quản lý nhập khẩu xe đã qua sử dụng. Tuy nhiên, cũng có những nơi đã áp dụng các tiêu chuẩn nhằm khống chế mặt hàng này, ưu tiên nhập khẩu những mẫu xe chất lượng cao, gồm xe điện và hybrid, với mức giá phải chăng. Ví dụ, Morocco chỉ cho phép nhập khẩu xe dưới 5 tuổi đời và đạt tiêu chuẩn khí thải Euro4.
Các quốc gia châu Phi nhập khẩu nhiều xe cũ nhất (40%) trong thời gian nghiên cứu, theo sau là Đông Âu (24%), châu Á-Thái Bình Dương (15%), Trung Đông (12%) và châu Mỹ Latinh (9%).
Thông qua các cảng biển, Hà Lan là một trong những quốc gia xuất khẩu xe cũ từ châu Âu. Phần lớn số xe này không có chứng nhận cho phép tham gia giao thông tại thời điểm xuất khẩu, và phần lớn đã có thời gian sử dụng 16-20 năm, cũng như phần lớn đều không đạt tiêu chuẩn khí thải Euro4. Ví dụ, tuổi đời trung bình của xe cũ xuất khẩu tới Gambia là gần 19 năm, trong khi 25% xe cũ xuất khẩu sang Nigeria đã gần 20 năm sử dụng.
Ôtô cũ chất lượng thấp cũng khiến tai nạn giao thông nhiều hơn. Theo báo cáo, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ có những quy định "rất yếu" hoặc "yếu" về xe đã qua sử dụng, gồm Malawi, Negeria, Zimbabwe và Burundi, những nơi có tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông rất cao.
Bộ trưởng Môi trường, Khoa học, Công nghệ và Cải cách của Ghana, Kwabena Frimpong-Boateng, nói rằng: "Tác động của ôtô cũ gây ô nhiễm là rất rõ ràng. Dữ liệu chất lượng không khí cho thấy giao thông vận tải là nguồn chính gây ô nhiễm tại các thành phố của chúng ta. Đó là lý do Ghana đang ưu tiên các tiêu chuẩn về phương tiện cũng như các loại nhiên liệu sạch hơn, cũng như tạo cơ hội cho xe buýt điện".
Trong tháng 9, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) đã đặt ra các tiêu chuẩn về phương tiện giao thông và nhiên liệu sạch và áp dụng từ tháng 1/2021. Các thành viên của ECOWAS cũng khuyến khích đề xuất giới hạn tuổi đời của ôtô cũ.
Mỹ Anh