Chiều tối nay, 13 thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và 10 quốc gia sản xuất dầu khác, trong đó có Nga, sẽ họp đánh giá lại chính sách hồi tháng 10 – cắt giảm sản xuất 2 triệu thùng một ngày. AFP trích nhận định của giới chuyên gia cho biết OPEC+ nhiều khả năng giữ nguyên mức sản xuất hiện tại. Các nguồn tin thân cận của Reuters cũng khẳng định điều này.
Hôm 2/12, Liên minh châu Âu (EU), G7 và Australia đã đồng ý áp trần 60 USD một thùng với giá bán dầu Nga. Giá này sẽ có hiệu lực ngay ngày 5/12, hoặc không lâu sau đó, do 5/12 là ngày lệnh trừng phạt dầu thô Nga của EU có hiệu lực. Theo đó, EU sẽ cấm nhập dầu Nga bằng đường biển, nhằm làm giảm hàng tỷ euro nguồn thu của Moskva.
Hôm qua, Nga đã lên tiếng phản đối trần giá, đe dọa ngừng giao dầu đến các nước tham gia quy định này. Ukraine thì cho rằng mức trần lẽ ra nên được thiết lập thấp hơn.
Với OPEC+, dấu hỏi lớn nhất hiện tại là lệnh trừng phạt sẽ tác động đến nguồn cung của Nga mạnh đến mức nào. "Bất ổn với nguồn cung Nga là rất lớn", các nhà phân tích tại DNB nhận định. OPEC vì thế "sẽ nghiêng về quyết định giữ nguyên mức sản xuất hiện tại".
Việc Moskva dọa ngừng giao hàng đến các nước áp dụng trần giá sẽ "tạo ra tình thế rất không thoải mái cho các nước", Craig Erlam – nhà phân tích tại OANDA nhận định, "Họ sẽ phải chọn giữa mất quyền tiếp cận dầu Nga giá rẻ và đối mặt với lệnh trừng phạt của G7".
Edward Moya – nhà phân tích tại UniCredit cũng cho rằng việc OPEC+ chọn họp trực tuyến thay vì trực tiếp tại trụ sở ở Vienna (Áo) như mọi khi cho thấy họ có thể giữ nguyên chính sách.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng không loại trừ khả năng OPEC+ giảm thêm sản xuất dầu. Khi kinh tế toàn cầu đi xuống do lạm phát tăng tốc và lo ngại nhu cầu năng lượng tại Trung Quốc yếu đi vì chiến dịch chống Covid-19, hai loại dầu chủ chốt của thế giới là WTI và Brent hiện ở gần mức thấp nhất năm nay.
Kể từ sau cuộc họp của OPEC+ hồi tháng 10, dầu Brent và WTI đã mất giá hơn 6%. Nếu OPEC+ giảm thêm sản xuất, giá có thể tăng lên.
"OPEC+ có thể cảm thấy buộc phải chọn cách thức mạnh mẽ hơn", bằng việc giảm hoặc dọa giảm sản xuất hơn nữa, Edoardo Campanella – nhà phân tích tại UniCredit cho biết, "Nga có thể trả đũa bằng cách tận dụng sức ảnh hưởng trong OPEC+ để thúc giục nhóm này giảm thêm, từ đó làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu".
Hà Thu (theo AFP, Reuters)