Theo thông lệ, cuộc họp sẽ được triệu tập vào tháng 11 nhưng đã diễn ra sớm hơn vì quan ngại ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu tới thị trường dầu khí. Sau khi lập kỷ lục vào hôm 14/7 lên trên 147 USD một thùng, giá dầu liên tiếp xác lập các mức đáy mới. Giá dầu thô đã xuống mức thấp nhất trong 16 tháng, hôm thứ tư vừa qua. Tại New York hôm qua, dầu giao tháng 12 chạm đáy 65,90 USD một thùng, mức thấp nhất kể từ 13/6/2007. So với đỉnh cao hồi giữa tháng 7, giá mặt hàng này đã sụt tới 56%.
Bộ trưởng dầu khí Ả-rập Xê-út Ali al-Nuaimi trả lời báo chí tại Vienna. Ảnh: AFP. |
Chủ tịch OPEC, ông Chakib Khelil, trong bài phát biểu hôm qua cho biết, quyết định cắt giảm sản lượng là điều chắc chắn. Trong khi đó, Tổng thống Anh Gordon Brown mới đây chỉ ra rằng việc hạn chế nguồn cung để giữ giá dầu sẽ tạo áp lực lên cả các nền kinh tế lớn vốn đang chao đảo vì khủng hoảng tài chính.
Một số nước trong số 12 thành viên Opec cho rằng, giảm sản lượng là cần thiết. Venezuela muốn cắt giảm khoảng một triệu thùng mỗi ngày, tương đương 3% tổng sản lượng của toàn tổ chức này. Iran thì kêu gọi giảm gấp đôi số đó. Hai nước trên có nguồn thu nhập chủ yếu từ dầu mỏ, do vậy muốn giữ giá dầu trên mức 100 USD một thùng. Giá dầu cứ giảm mỗi USD một thùng thì thu nhập của Iran mất đi khoảng 1 tỷ USD một năm.
Bộ trưởng dầu khí Ảrập Xêút Ali al-Naimi hôm qua từ chối xác nhận việc giảm sản lượng mà chỉ nói giá dầu là do thị trường quyết định. Ảrập Xêút là nước sản xuất dầu lớn nhất OPEC. Tuy nhiên nuớc này lo ngại về tình hình kinh tế ở các nước nhập khẩu dầu. Hơn nữa, nếu giá quá cao, người tiêu dùng lại phải chuyển sang các năng lượng thay thế khác. Trong khi đó, Bộ trưởng dầu khí Libya, ông Shukri Ghanem trả lời báo chí rằng giảm 2 triệu thùng là quá nhiều. Ông muốn cân bằng cung, cầu.
Các thành viên của OPEC hiện có Algeria, Angola, Ecuador, Iran, Iraq, Kuwait, Libya, Nigeria, Qatar, Ảrập Xêút, các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (the United Arab Emirates), và Venezuela. Indonesia hiện đã rút ra khỏi tổ chức này do sản lượng khai thác của nước này không đảm bảo cho xuất khẩu. OPEC cung cấp 40% sản lượng dầu trên thế giới, với hạn mức khoảng 28,8 triệu thùng mỗi ngày.
Ngay cả khi tổ chức này cắt giảm sản lượng, các chuyên gia vẫn cho rằng giá dầu vẫn khó đạt 70 USD một thùng như OPEC mong muốn mà sẽ xuống 60 USD do kinh tế thế giới suy thoái.
Con số cắt giảm chính xác sẽ được OPEC công bố ngày mai.
Thanh Phương (theo AFP)