Nhiều ngân hàng, tổ chức lớn trên thế giới đang nghiên cứu hoặc đã ứng dụng blockchain vào kinh doanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ít được nhắc tới do gặp nhiều rào cản về tiếp cận công nghệ.
Hiệu suất và khả năng mở rộng quy mô mạng lưới là mối quan tâm của các doanh nghiệp khi ứng dụng blockchain. Tuy nhiên các "public blockchain" thường hy sinh khả năng mở rộng (scalability) để đạt được tính phi tập trung (decentralization) và bảo mật (security). Điều này có nghĩa là nếu càng nhiều người tham gia vào mạng blockchain, hệ thống sẽ càng mất nhiều thời gian xác thực.
Các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng thừa nhận điểm yếu này của blockchain. Trong hội thảo "Cơ hội, thách thức ứng dụng Blockchain vào vận hành trong ngành tài chính" diễn ra tại cuối năm 2022, rào cản về chi phí nghiên cứu, đầu tư hạ tầng, hạn chế trong việc mở rộng danh mục khách hàng là những khó khăn được đại diện các ngân hàng dẫn ra từ kinh nghiệm thực tế.
Nhìn từ thực tế, nhiều người cho rằng blockchain không phải giải pháp tối ưu để ứng dụng vào hoạt động doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Tuy vậy, ông Trần Quang Chiến - nhà sáng lập ONUSChain khẳng định SME là nhóm đối tượng cần phải đồng hành cùng giải pháp blockchain. Thay vì sử dụng public blockchain, các chuỗi khối được thiết kế riêng cho nhu cầu doanh nghiệp (permissioned blockchain - hạn chế số người truy cập) được ông Chiến gợi ý cho doanh nghiệp. "Công nghệ này cung cấp khả năng mở rộng và tính bảo mật - vốn là hai mối quan tâm hàng đầu của SME và Startup, đặc biệt khi họ có kế hoạch vươn ra nước ngoài", ông Chiến nói.
Nhà sáng lập ONUSChain dẫn ví dụ trên thế giới có nhiều trường hợp ứng dụng thành công blockchain vào hoạt động SME. Chẳng hạn, ở châu Âu có hội đồng EISMEA (European Innovation Council and SMEs Executive Agency) được thành lập để hỗ trợ SME. Họ công bố báo cáo về các dự án kết nối và tích hợp blockchain vào hàng loạt SME trong lĩnh vực nông nghiệp, quản lý chuỗi cung ứng... Còn tại châu Á, sự thành công của các SME Ấn Độ trong quá trình quốc tế hóa là một minh chứng. Tháng 9 năm trước, Cơ quan tiền tệ Hong Kong và Ngân hàng Thanh toán Quốc tế thông báo tìm cách sử dụng blockchain và smart contract để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. "Những nỗ lực này là minh chứng cho việc ứng dụng chuỗi khối vào SME là hoàn toàn khả thi", ông Chiến khẳng định.
Đại diện ONUSChain cho biết chi phí đầu tư hạ tầng không phải là vấn đề khi có một nền tảng blockchain đơn giản và dễ hiểu cho cả người phát triển sản phẩm và người dùng. SME có thể kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ chuỗi khối thay vì tự xây cơ sở hạ tầng. Khả năng mở rộng và tốc độ xử lý giao dịch cũng không phải là vấn đề đối với mô hình quản trị của blockchain doanh nghiệp.
Lãnh đạo ONUSChain cho rằng SME có thể tiết kiệm thời gian và chi phí liên quan đến kiểm soát, đối soát dữ liệu. Ngoài ra, tính minh bạch của thông tin trên blockchain sẽ thuyết phục người dùng tin tưởng với những sản phẩm thật sự chất lượng.
Những sản phẩm có thể áp dụng nhanh chóng công nghệ blockchain bao gồm fintech, logistics, digital marketing,.. và đặc biệt là các sản phẩm Web2 đã có được lượng người dùng tiềm năng. "Những sản phẩm Web3 đã thành công trên thế giới trải dài trên nhiều lĩnh vực lưu trữ, chia sẻ dữ liệu, giải trí... là tín hiệu tốt và động lực dành cho sản phẩm Web2 tích hợp blockchain và chuyển đổi", ông Chiến nhận định.
Theo ông Chiến, để doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng chuỗi khối thành công cần gia tăng tính cộng đồng, tích cực tương tác và lắng nghe ý kiến của người dùng trong quá trình phát triển sản phẩm. "Đây cũng là tôn chỉ trong việc thiết kế hệ sinh thái ONUSChain. Chúng tôi luôn hướng mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới", lãnh đạo này chia sẻ.
Hiện tại ONUSChain có hơn ba triệu người dùng và đang tập trung vào các sản phẩm DeFi (tài chính phi tập trung) và Web3, cùng với nhiều ứng dụng về giải trí, giáo dục, sức khỏe,..
Hoài Phương