Những vòng quay bất tận của đĩa hát, những giai điệu ma mị của ca khúc Funnel of Love ngân lên… nhiều người xem sẽ như bị thôi miên ngay từ giây phút đầu tiên vào thế giới âm u, kỳ quái của bộ phim. Nhân vật nằm dài, chính giữa khuôn hình, xoay tròn theo chuyển động của máy quay cố định từ trên cao như những cây kim đồng hồ vận hành xuyên thời gian. Ở đó, câu chuyện về những bóng ma duy trì sự sống bằng tình yêu bắt đầu…
Adam và Eve là hai ma cà rồng yêu nhau nhưng vì lý do nào đó phải sống ở hai thành phố khác nhau. Một ngày, Eve nhận ra nhu cầu mãnh liệt phải tìm đến và đoàn tụ với Adam thì cũng là lúc người em gái rắc rối của cô từ cõi chết trở về. Bộ phim xoay quanh ba nhân vật chính: một ca sĩ nhạc Rock hết thời, một phụ nữ si tình, nhân hậu và một cô gái trẻ ngông cuồng, nổi loạn. Họ cùng nhau sống qua hàng chục thế kỷ và bất tử hóa tình yêu theo cách của riêng mình.
Không có những pha rượt đuổi ngoạn mục, những cuộc đi săn trong đêm hay những màn hút máu người ghê rợn trong các bộ phim cùng chủ đề như Twilight, Thirst, Let The Right One In, Only Lovers Left Alive chỉ đơn giản đặt ra một giả thiết: Liệu sự sống bất tử mang đến niềm hạnh phúc hay nỗi bất hạnh trong cuộc đời?
Adam và Eve đã sống qua hàng chục thế kỷ, tận mắt chứng kiến những bước thăng trầm, những đỉnh cao cho đến những đổ vỡ của mỗi thời đại. Trong mắt họ, tất cả hào quang chỉ còn trong quá khứ. Những tên tuổi lừng lẫy như Einstein, Newton, Faust… mãi mãi là cái bóng không thể nào vượt qua. Âm nhạc hay nghệ thuật thực sự chỉ tồn tại dưới thời của Schubert hay Bach. Thời đại này, giữa những đám đông cuồng loạn, nốc rượu và hút thuốc thâu đêm trong những quán bar, người nghệ sĩ như Adam chỉ viết được những thứ nhạc tha hóa như nhạc đám ma, hoặc không gì cả.
Câu chuyện của Only Lovers Left Alive đằng sau vỏ bọc của một bộ phim về ma cà rồng còn là câu chuyện về nỗi cô đơn muôn thuở của người nghệ sĩ. Trong thế giới hư ảo này, tri âm tri kỷ của Adam ngoài Eve chỉ là những chiếc đàn guitar cổ kính, trầm mặc trôi nổi từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Anh đam mê âm nhạc nhưng là thứ nhạc cổ điển buổi “hồng hoang” với những thanh âm vô ngôn chất chứa chất trí tuệ và cảm xúc dâng trào. Anh nâng niu những tác phẩm mình viết ra đến nỗi không muốn vứt nó vào đám đông xô bồ ngoài kia. Anh gọi chúng là nhạc đám ma với tất cả sự điềm nhiên và kiêu hãnh của người nghệ sĩ luôn đứng cao hơn công chúng.
“Anh có biết ngoài hành tinh có một viên kim cương không? Một quả tim trắng nhỏ xíu bị chôn giấu trong một vì sao…”. Đó chính là vẻ đẹp tuyệt đối nhưng cô độc của nghệ thuật đích thực, là ánh sáng trong lành và tinh khiết nhất của những tâm hồn đi xuyên không gian, thời gian.
Adam cũng như Eve phải sống qua nhiều kiếp người, chứng kiến tất cả đỉnh cao lẫn những thành trì đổ nát của nhân loại để rồi bất lực trong chính nỗi cô đơn của kẻ sinh nhầm thế kỷ, đi lạc xuống trần gian. Không thể trở về, cũng không thể chấm dứt những khổ đau, tuyệt vọng này bằng cái chết, họ chỉ còn biết nương tựa vào nhau, mang tình yêu của mình tưới lên những mầm sống khác để cuộc đời tiếp tục nảy nở, sinh sôi.
Đi qua mỗi khuôn hình, mỗi cung nhạc ghép nối, chúng ta đều chạm thấy nỗi cô đơn trong từng con ngõ nhỏ, từng quán bar ngột ngạt cho đến những bậc cầu thang heo hút hơi người. Thế giới của bóng đêm, của những sinh vật hút máu người trở nên ma mị và ám ảnh hơn bao giờ hết trên nền nhạc Rock vừa cuồng loạn, vừa đay nghiến, vừa thôi thúc như bóp tim, thắt cổ người nghe. Cái chết đau đớn nhất không đến từ những cặp răng nanh nhọn hoắt mà đến từ chính không khí u uất, ma quỷ ấy. Bộ phim đến phút cuối cùng, dường như cũng chẳng kể trọn vẹn một câu chuyện nào. Cái người xem thấy dường như chỉ là cách những ngôi sao cô đơn băng qua đêm tối, va vào nhau, truyền lửa cho nhau và chiếu sáng cả dải ngân hà.
Sự xuất hiện trở lại của chàng Loki (Tom Hiddleston) trong The Avengers lần này hẳn không phải là một bước đột phá bởi tính chất của vai diễn nghiêng nhiều về chiều sâu, sự trải nghiệm. Tuy nhiên, đó lại chính là cách Tom Hiddleston ghi điểm ở một phương diện khác. Trong tạo hình của chàng ca sĩ nhạc Rock tóc dài, ánh mắt vô hồn, cử chỉ và giọng nói điềm nhiên, chậm rãi, anh đã thể hiện xuất sắc hình ảnh người nghệ sĩ cô đơn, vừa bất cần, vừa nồng nhiệt trong tình yêu để dẫn dắt người xem đi đến phút cuối cùng của bộ phim.
Cùng Tom Hiddleston, sự xuất hiện của Tilda Swinton cũng trở thành điểm nhấn quan trọng cho bộ phim nhờ sự phối hợp ăn ý của cả hai vai diễn. Không duyên dáng như Ethan Hawke và Julie Delpy trong bộ ba Before, Tilda và Tom mang đến cho người xem cảm giác nồng và ngấm như những ly rượu mạnh khui lên từ lòng đất. Họ không nói quá nhiều, yêu đương cũng không vồn vã. Chỉ đơn giản là ở bên nhau, chia nhau đến giọt máu cuối cùng như đôi vợ chồng lập cập nắm tay nhau ở cuối con dốc cuộc đời. Tình yêu của họ cũng vì thế mà “đời”, mà “người” hơn bất cứ cặp ma cà rồng nào hết.
Làm nên tông giọng chính của bộ phim không thể không kể đến phần nhạc được cắt ghép và xử lý đầy tinh tế, tài tình của Carter Logan và Jozef van Wissem. Không chỉ là những ca khúc bất hủ như Funnel of Love, Can’t Hardly Stand It… được đưa vào như những người kể chuyện vô hình trong mạch truyện phim, những bản phối mới theo thiên hướng làm mềm và cách điệu Rock với Jazz, Rock & Roll đầy ngẫu hứng cũng sẽ níu chân người xem ở lại với thế giới thăng hoa đầy cảm xúc của bộ phim lâu hơn.
Và cuối cùng, Only Lovers Left Alive sẽ không thể hoàn hảo nếu thiếu cái kết đầy phi lý mà cũng quá đỗi nhân văn. Cái kết ấy đã làm nên nhan đề của bộ phim – “Chỉ những kẻ yêu nhau mới bất tử”.
Tình yêu của Adam và Eve băng qua hàng thế kỷ vẫn không “chết” bởi họ có khả năng nuôi dưỡng nó theo cách đặc biệt. Họ nhìn thấy tình yêu của mình trong những tình yêu khác. Họ nhìn thấy tình yêu của mình hiện diện muôn nơi, trong những nụ hôn, trong những bàn tay siết chặt. Bằng cách ấy, những con ma cà rồng hòa mình vào loài người, dùng chính sự bất tử của mình để bất tử hóa sự sống, nuôi dưỡng tình yêu…
Trailer phim "Only Lovers Left Alive" |
|
Anh Mai