"Tôi đặt mục tiêu xây dựng được kế hoạch đầy đủ vào tháng 11", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 15/7 cho biết, đề cập hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine lần hai. "Tôi nghĩ đại diện của Nga nên tham dự".
Ông Zelensky phát biểu trước báo giới tại Kiev sau khi vừa trở về từ Washington, nơi ông đến vào tuần trước để tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO.
92 quốc gia đã tham dự hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ vào tháng trước, nơi các bên thảo luận về kế hoạch hòa bình 10 điểm do Kiev đề xuất, trong đó có an ninh lương thực, an toàn hạt nhân, trả tự do cho tù nhân chiến tranh và trẻ em.
Tổng thống Ukraine cho biết để chuẩn bị cho hội nghị lần hai, giới chức các nước có thể sẽ gặp mặt tại Qatar vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 để thảo luận về vấn đề an ninh năng lượng. Một cuộc họp khác về vấn đề an ninh lương thực sẽ được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 8, tiếp đó là cuộc họp ở Canada vào tháng 9 về vấn đề trẻ em và tù nhân chiến tranh.
Ukraine đã không mời Nga tham dự hội nghị lần một, trong khi Điện Kremlin cho rằng việc thảo luận về cuộc xung đột mà không có sự tham gia của Moskva là lãng phí thời gian.
Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak giữa tháng 6 cho biết đại diện của Nga có thể được mời tham dự hội nghị lần 2 để nghe trình bày về kế hoạch hòa bình của các bên.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin hôm 11/7 tuyên bố nước này sẽ không tham dự do Kiev đã phớt lờ các yêu cầu của Moskva. Điện Kremlin cho biết chưa nhận được "nội dung cụ thể" về ý tưởng tổ chức hội nghị tiếp theo.
Cũng trong cuộc họp báo hôm 15/7, ông Zelensky nói Ukraine sẽ tiếp nhận một số chiến đấu cơ F-16 từ các đối tác vào mùa hè này và thêm những chiếc nữa trước cuối năm nay, song không tiết lộ con số cụ thể.
"Chúng chắc chắn sẽ tăng cường sức mạnh cho chúng tôi, nhưng liệu có đủ để đấu sòng phẳng với không quân Nga hay không? Tôi nghĩ là không. Chúng tôi kỳ vọng sẽ được chuyển giao nhiều hơn", ông Zelensky nói.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Đan Mạch và Hà Lan đã bắt đầu chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine sau thời gian dài trì hoãn, song không công bố số lượng. Copenhagen và Amsterdam trước đó cam kết sẽ chuyển giao cho Kiev tổng cộng 43 tiêm kích loại này, thấp hơn nhiều so với con số ít nhất 128 chiếc Ukraine yêu cầu.
Bên cạnh kêu gọi thêm khí tài viện trợ từ phương Tây, Kiev đang đẩy mạnh nỗ lực huy động quân để bổ sung nhân lực cho tiền tuyến. Tổng thống Zelensky cho biết quân đội đã báo cáo rằng hoạt động này "đang diễn ra như kế hoạch", song Ukraine cần mở rộng chương trình huấn luyện tân binh.
Phạm Giang (Theo Reuters)