Trong lời khai mạc, ông Huệ đánh giá cao nhiều kết quả Học viện Quân y đã đạt được thời gian qua, trong đó có nghiên cứu và sản xuất kit thử Covid-19 và thử nghiệm lâm sàng vacine Nanocovax. Đây là nhiệm vụ quan trọng để Việt Nam có thể chủ động phòng, chống Covid-19. "Nếu không sớm miễn dịch cộng đồng bằng việc tiêm chủng vaccine sẽ rất khó để đẩy mạnh các hoạt động khác", Chủ tịch Quốc hội nói.
Báo cáo của Học viện Quân y cho biết, vaccine Nanocovax phòng Covid-19 do Công ty cổ phần sinh học dược Nanogen sản xuất được Học viện thử nghiệm lâm sàng từ tháng 12/2020. Hiện Trung tâm thử nghiệm lâm sàng đạt tiêu chuẩn GCP đã được thành lập để sẵn sàng cho các thử nghiệm vaccine các giai đoạn tiếp theo.
Hiện vaccine Nanocovax bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 trên 13.000 người tình nguyện đủ 18 tuổi trở lên, có sử dụng vaccine với liều 25 µg và giả dược. Từ ngày 6/6, Học viện Quân y bắt đầu khám sàng lọc và thu tuyển người tình nguyện.
Ở giai đoạn I (tháng 12/2020) đã tiêm cho 60 tình nguyện viên và giai đoạn II (tháng 2/2021) đã tiêm trên 560 người.
Ngoài vaccine phòng Covid-19, Học viện Quân y còn triển khai gần 30 đề tài nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phòng các bệnh lỵ trực khuẩn, tả, dại, sởi, lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, cúm A/H5N1, viêm não Nhật Bản, viêm màng não do não mô cầu, rotavirus, viêm gan A, B...
Tại buổi làm việc, Học Viện Quân y cũng đề xuất sớm triển khai Dự án "Trung tâm nghiên cứu và phát triển vaccine phòng bệnh truyền nhiễm ở người" đã được Thủ tướng đồng ý tháng 12/2020. Trung tâm này có chức năng nghiên cứu các loại mầm bệnh, phát triển, sản xuất các loại sinh phẩm để phát hiện, chẩn đoán và điều trị các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt các bệnh dịch nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, đặc biệt trong các tình huống khẩn cấp và thảm họa.
Trung tâm cũng nghiên cứu các công nghệ nền tảng trong phát triển, chuyển giao công nghệ, sản xuất các loại vaccine phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Cùng tham dự tại buổi làm việc, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ nhất trí với đề xuất dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển vaccine phòng bệnh truyền nhiễm ở người.
Ông cho biết, các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phòng chống Covid-19 vừa qua được phê duyệt rất nhanh (chỉ khoảng 30 ngày) với số kinh phí được tài trợ lớn. Một trong số các nhiệm vụ này là kit sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR và realtime RT-PCR) phát hiện nhanh nCoV.
Theo Bộ trưởng Đạt, Bộ sẽ ưu tiên giao Học viện Quân y chủ trì các nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia để đưa ra những sản phẩm công nghệ chất lượng cao.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Học viện Quân y đẩy nhanh nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine chất lượng cao, sản xuất hàng loạt, giá rẻ để cạnh tranh với các sản phẩm khác "nếu không sẽ mất cơ hội". Tuy nhiên, vaccine cần đáp ứng vượt trội về thời gian sinh kháng thể, giảm thiểu tác dụng phụ, nhất là với những người có bệnh nền, thể trạng yếu. "Đặc biệt vaccine cần có khả năng đề kháng, thích ứng với những biến thể mới của virus gây Covid-19", ông Huệ nói.
Ông đồng tình chủ trương giao Học viện Quân y triển khai dự án Trung tâm nghiên cứu và phát triển vaccine và yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ có chương trình nghiên cứu cấp nhà nước để nghiên cứu thử nghiệm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm ở người.