Bên lề cuộc đối thoại trực tuyến tại Cổng thông tin Chính phủ, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết, diện tích đất huyện Tiên Lãng giao cho gia đình ông Vươn là đất bãi bồi ven sông, ven biển nên thời hạn khi giao phải căn cứ vào quy hoạch của địa phương (theo Nghị định 181). Ông Quang khẳng định, quyết định giao có thời hạn (14 năm) là đúng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cả địa phương lẫn gia đình ông Vươn đều có những cái sai. Ví dụ nhà ông Vươn không được cho phép làm nhà ở khu vực đầm tôm mà theo quy định chỉ được làm lều trông coi, còn huyện đồng ý cho xây nhà cấp 4 cũng là sai.
"Còn nếu coi đây là đất nông nghiệp thì chỉ giao có hạn mức, tối đa 3 ha, chứ không thể giao tới 40 ha được. Ông Vươn lại không phải người ở xã Vinh Quang nên đúng ra không được giao", Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: "Trong tháng 4 cố gắng giải quyết xong cho gia đình ông Vươn thuê đất". Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Về hướng giải quyết cho gia đình ông Vươn sử dụng đất trong thời gian tới, Bộ trưởng Quang cho hay, huyện Tiên Lãng đã đề nghị Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn. Theo đó, đối với diện tích sát chân đê theo quy định cho thuê hằng năm, diện tích ở xa chân đê cho thuê tới 2020. "Chúng tôi đồng tình với phương án này, cố gắng trong tháng 4 giải quyết xong", Bộ trưởng Quang nói.
Trước đó, trao đổi với người dân trong cuộc giao lưu trực tuyến, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng, tình trạng khiếu kiện đất đai nhiều và kéo dài thời gian qua có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Văn bản liên quan tới pháp Luật đất đai nhiều (khoảng 300) ngoài việc khiến cán bộ quản lý khó nắm vững thì cũng từ đó nảy sinh tình trạng cán bộ địa phương "có vấn đề" khi thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng người dân không phải không có cái sai. Dẫn ra trường hợp của gia đình ông Vươn, Bộ trưởng Quang chỉ ra những sai sót như sau khi được giao 21 ha ông Vươn lại lấn chiếm thêm 19,3 ha, rồi phá rừng phòng hộ để nuôi cá, tôm; chậm nộp tiền sử dụng đất hay cho người khác thuê lại...
Theo đề xuất của huyện Tiên Lãng, toàn bộ diện tích đầm tôm của gia đình ông Vươn sẽ chuyển sang hình thức cho thuê. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
"Cái sai của chính quyền là lớn song người sử dụng đất cũng phải có trách nhiệm. Các nơi khác bị thu hồi thì phải xem cụ thể, đừng suy diễn từ trường hợp này", ông Quang nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành Tài nguyên Môi trường cũng khẳng định, phương án cho thuê đất là thỏa đáng nhất bởi đa dạng hóa được thời hạn. Từ kinh nghiệm của các tỉnh Thái Bình (tỉnh cũng có nhiều diện tích đất bãi bồi) khi cho thuê đã tránh phát sinh các vấn đề phức tạp như bao cấp, xin cho.
"Tổng cục Quản lý đất đai có trách nhiệm tham mưu cho Bộ trong vấn đề này, còn thời hạn cho thuê bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào quy hoạch của từng vùng. Tiền thuê các sở tài chính có trách nhiệm tính toán sòng phẳng, như vậy sẽ không có vấn đề gì cả", ông Quang nói.
Ngày 5/1, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng. Ngày 10/1, 4 bị can gồm: Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được tại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú. Ngày 10/2, sau cuộc họp với các bộ ngành, Thủ tướng kết luận, các quyết định thu hồi, cưỡng chế 19,3 ha đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang đều trái luật và yêu cầu sớm khởi tố, điều tra cán bộ đã chỉ đạo phá nhà ông Vươn. |
Nguyễn Hưng