Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Viết Ngoạn được điều động sang làm Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thay cho ông Lê Đức Thúy từ 22/7. Khi thông tin này được công bố rộng rãi cũng là lúc các diễn đàn trong và ngoài nước rộ lên chuyện bằng tiến sĩ tài chính trường La Salle (Mỹ) của ông Ngoạn là "rởm".
Trao đổi với phóng viên hôm qua, ít ngày sau khi chính thức nhận nhiệm vụ mới, ông Ngoạn thẳng thắn chia sẻ về chuyện học hành của mình cũng như dự định phát triển Ủy ban thời gian tới.
Ông Ngoạn từng là Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam gần 8 năm trước khi được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XII. Ảnh: T.T. |
- Sau 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vẫn chủ yếu thực hiện công việc tư vấn chính sách nhiều hơn là giám sát. Trở thành vị Chủ tịch thứ hai của Ủy ban, ông sẽ ưu tiên nhiệm vụ gì để Ủy ban phát huy tốt hơn vai trò của mình?
- Tôi mới nhận công tác ít ngày, cần thêm thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ mới có thể trả lời đầy đủ nên ưu tiên và tập trung cho nhiệm vụ gì. Nhưng quả thật thời gian qua hoạt động giám sát của Ủy ban mới chủ yếu dừng ở mức tư vấn, chưa tương xứng với tên gọi của mình.
Có một số ý tưởng tôi ấp ủ từ lâu và tin là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban, vì thế tôi mong muốn sẽ triển khai được. Trước hết tôi sẽ đề xuất thiết lập cơ chế phối hợp giữa Ủy ban với các cơ quan có chức năng giám sát, giúp thị trường tài chính hoạt động ổn định và lành mạnh. Tôi cũng muốn Ủy ban thiết lập mạng lưới cộng tác viên, xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, các nhà khoa học để phát huy trí tuệ tập thể, cùng tham mưu chính sách kinh tế, tài chính cho Thủ tướng. Thời gian tới, Ủy ban cũng sẽ tăng cường công tác nghiên cứu khoa học để tập trung xây dựng một số mô hình dự báo kinh tế.
- Tại sao Ủy ban Giám sát Tài chính lại cần quan tâm và xây dựng các mô hình dự báo kinh tế?
- Thực tiễn những năm qua cho thấy, dự báo đóng vai trò hết sức quan trọng, vì Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, chịu tác động rất lớn bởi những biến động của kinh tế thế giới. Dự báo kinh tế là công việc hết sức khó khăn nhưng rất cần thiết.
Với chức năng nhiệm vụ được giao chúng tôi quan tâm đến một số mô hình dự báo cấp thiết đối với Việt Nam. Trước hết, đó là mô hình dự báo “độ chênh sản lượng” (output gap) tức chênh lệch giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng. Đây là một công cụ quan trọng để dự báo lạm phát. Hầu hết chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đã và đang sử dụng công cụ này. Mô hình kinh tế lượng thứ hai chúng tôi muốn xây dựng là đo lường mối tương quan giữa tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tăng trưởng tín dụng và lạm phát trong điều kiện thực tế ở Việt Nam. Công cụ này sẽ giúp chúng ta cân đối xem lượng tiền đưa ra nền kinh tế hằng năm sẽ ảnh hưởng như thế nào tới lạm phát, và ngược lại trên cơ sở lạm phát mục tiêu, chúng ta có thể tính toán cung tiền ở mức bao nhiêu là hợp lý. Chúng tôi cũng quan tâm tới một số mô hình đánh giá mối tương quan giữa tỷ giá với xuất khẩu, nhập siêu…
Bên cạnh các mô hình dự báo kinh tế, chúng tôi muốn xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm về rủi ro hệ thống tài chính đối với ổn định kinh tế vĩ mô và đo lường khả năng chịu đựng của hệ thống tài chính đối với biến động từ bên ngoài. Sau khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái toàn cầu vừa qua, nhiều quốc gia cũng như các tổ chức tài chính, kinh tế lớn trên thế giới đều quan tâm củng cố hệ thống cảnh báo sớm này. Việt Nam của chúng ta chưa có, nhưng tôi muốn Ủy ban sẽ đóng vai trò quan trọng để xây dựng và phát triển hệ thống này. Nhiều khả năng là tới đây sẽ có tổ chức quốc tế hỗ trợ về kỹ thuật để chúng tôi xây dựng mô hình này và đưa vào áp dụng trước cuối năm sau.
- Kinh nghiệm 8 năm lãnh đạo một trong những ngân hàng lớn hàng đầu Việt Nam cũng như 4 năm công tác tại Ủy ban Kinh tế Quốc hội giúp ích gì cho ông khi nhận trọng trách mới?
- Kinh nghiệm và kiến thức về lĩnh vực ngân hàng tài chính tích lũy sau 30 năm làm ở ngân hàng thương mại, đặc biệt là gần 8 năm làm Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương, sẽ là tài sản quý báu để tôi thực hiện nhiệm vụ ngày hôm nay.
Làm ngân hàng cũng như công tác tại Ủy ban Kinh tế Quốc hội rất bận rộn, nhưng tôi vẫn dành thời gian nghiên cứu sâu về lĩnh vực của mình. Khi còn công tác ở ngân hàng Ngoại Thương, tôi đã làm chủ nhiệm một số đề tài khoa học cấp bộ, trong đó có đề tài về quản trị ngân hàng. Luận án Tiến sĩ của tôi với đề tài "Đo lường và quản lý rủi ro lãi suất: mô hình áp dụng cho các ngân hàng Việt Nam" cũng hàm chứa nội dung khoa học về quản trị ngân hàng. Trong luận án tôi đã xây dựng một mô hình quản trị lãi suất tên là mô hình hỗn hợp (hybrid model), trên cơ sở kết hợp hai phương pháp quản trị rủi ro lãi suất. Phương pháp thứ nhất là quản trị độ chênh lệch vốn theo cảm biến lãi suất. Phương pháp thứ hai là quản trị chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn. Mô hình này mặc dù được thiết kế cách đây hơn chục năm nhưng theo tôi vẫn còn nguyên giá trị và có tính ứng dụng cao vào điều kiện của Việt Nam. Phương pháp đo lường rủi ro lãi suất nêu trong luận án của tôi cũng có thể được sử dụng như một thông số đánh giá an toàn tài chính của tổ chức tín dụng.
- Vậy yếu tố gì sẽ quyết định sự thành công của ông thời gian tới?
- Tôi từng trả lời phỏng vấn rằng yếu tố quyết định giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chính là sự sáng tạo. Còn ở cương vị mới này, dù mới có mấy ngày nhưng tôi tiên lượng hai yếu tố quan trọng đối với tôi đó là kiến thức và sự hợp tác. Tới đây, Uỷ ban sẽ quan tâm nhiều hơn tới triết lý của mình, đó là hợp tác với các cơ quan cùng có chức năng giám sát, hợp tác và cộng tác với các nhà khoa học để phát huy một cách cao nhất trí tuệ tập thể. Tôi tin rằng với cách làm đó, ủy ban có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.
- Ông đề cao kiến thức, lý luận bên cạnh kinh nghiệm thực tiễn. Nhưng ông nghĩ sao khi bằng cấp cũng như chuyện học hành của ông bị nghi ngờ?
- Tôi luôn tâm niệm học để bổ sung kiến thức cho mình, chứ không vì danh, hay để tăng lương, thăng chức. Năm 1995, tôi đăng ký và được cơ quan cử học trường La Salle của Mỹ theo phương thức học từ xa. Năm 1996 trường đã xảy ra vụ bê bối do ông hiệu trưởng vi phạm quy định pháp luật. Đầu năm 1997, trường được chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác và được cơ cấu lại, có HĐQT mới và Ban giám hiệu mới, tổ chức hoạt động một cách quy củ, nề nếp, đúng theo quy định của Pháp luật. Vì thế tôi quyết định học trở lại và bảo vệ luận án vào cuối năm 1998.
- Tại sao lại là hình thức đào tạo từ xa mà không phải một trường danh tiếng, đào tạo quy củ, thưa ông?
- Phương thức học từ xa dĩ nhiên không thể tốt như học tập trung được. Nhưng khi đó, tôi xác định mình học cho mình, phục vụ cho công việc của mình nên tôi chọn phương thức học phù hợp nhất với hoàn cảnh gia đình, công việc.
Thực tế thì cách thức học ở trường hồi đó khá chặt chẽ. Trường cử một giáo viên hướng dẫn tôi, thày trò liên lạc, trao đổi qua thư. Tôi được trường gửi cho một đề cương các nội dung phải học, danh sách đầu sách phải đọc, nghiên cứu. Có khó khăn gì lại hỏi giáo viên hướng dẫn. Khi nào thấy học ổn rồi, mình đăng ký thi, nhà trường gửi câu hỏi sang trong vòng 45 ngày phải nộp bài.
Tất nhiên, phương thức học từ xa khi đó có rất nhiều khó khăn và đòi hỏi tính tự chủ cao. Khó khăn đầu tiên là phải tìm và mua được sách. Vào những năm đó chưa có điều kiện để mua sách qua Internet như bây giờ. Hồi đó, tôi phải nhờ bạn bè và bản thân khi nào đi công tác nước ngoài là tranh thủ mua. Thậm chí, có lần tôi phải viết thư nhờ bạn là người Bangladesh học cùng tôi trước đây ở Italy để mua cho một số sách cũ ở Bangladesh. Rồi có những môn tôi chưa học bao giờ và chưa hề có khái niệm về nó như thần học, tôi phải nhờ bạn bè thông thạo về lĩnh vực này phụ đạo giúp.
Cũng có thuận lợi là trường cho miễn một số môn tự chọn, nếu như hội đủ các điều kiện như: đã học môn học tương tự ở trường đại học, hoặc tham gia công tác giảng dạy, đã xuất bản sách hay công trình nghiên cứu với những nội dung có liên quan. Nhờ vậy tôi được miễn một số môn và rút ngắn thời gian học.
- Tiếp quản vị trí Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ông thấy mình kế thừa được những gì từ người tiền nhiệm?
- Người tiền nhiệm của tôi có kiến thức và nhiều kinh nghiệm. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thành lập 3 năm, tuy thời gian ngắn nhưng tôi nhận thấy những gì có được trong 3 năm qua là bước đi khá dài. Kết quả đó tạo cho Ủy ban vị trí và điều kiện thuận lợi để tự khẳng định mình thời gian tới. Khó khăn có nhiều, nhưng tôi tin với sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo cũng như sự phối hợp của các cơ quan liên quan, Ủy ban sẽ có vị trí mới phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới và hoàn cảnh của Việt Nam, đóng góp cho hoạt động giám sát, đảm bảo an toàn cho nền tài chính quốc gia.
- Đánh giá về thị trường tài chính, tiền tệ và kinh tế từ nay tới cuối năm, ông thấy có những điểm gì cần lưu ý?
- Thị trường tiền tệ, tài chính cuối năm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tổng kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã xác định 6 tháng cuối năm vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, vì thế sẽ tiếp tục kiên trì nhất quán thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ.
6 tháng cuối năm còn nhiều thách thức. Nghị quyết 11 mới thực hiện vài tháng nhưng đã có dấu hiệu tích cực, chỉ số giá tiêu dùng bước đầu có dấu hiệu giảm, nhập siêu giảm. Đây là hai thông số hết sức quan trọng đối. Nếu chúng ta kiên trì thực hiện nhất quán chủ trương của Nghị quyết 11 và các bộ ngành thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ, thì tôi tin rằng tình hình kinh tế vĩ mô sẽ ổn định.
Theo tôi, năm nay chúng ta cố gắng tạo nền tảng ổn định, làm cơ sở vững cho 2012 để hy vọng sẽ có chỉ số lạm phát thấp hơn, có thể kiểm soát ở mức một chữ số, và tăng trưởng kinh tế cao hơn. Khi đó thị trường tài chính, tiền tệ sẽ sớm chuyển biến tích cực, lãi suất bớt nóng hơn, vì đây là lĩnh vực có độ nhạy cao với những tín hiệu kinh tế vĩ mô.
Tất nhiên còn một số vấn đề chúng ta cần quan tâm. Chẳng hạn lượng tiền chi từ ngân sách, hay lượng tín dụng cung ứng cho nền kinh tế, làm sao phải phân bổ đều, hợp lý tránh hiện tượng đổ dồn vào một hai tháng sẽ gây lạm phát cục bộ, ảnh hưởng xấu tới vĩ mô. Thị trường vàng cũng cần tổ chức tốt, tránh ảnh hưởng tiêu cực tới tỷ giá. Hiện tượng tín dụng ngoại tệ tăng trưởng cao thời gian qua cũng cần xem xét nghiêm túc, từ đó dự báo cân đối ngoại tệ trong thời gian tới để có chính sách thích hợp.
Song Linh