Sáng 6/9, Ủy ban Tư pháp tiếp tục cho ý kiến vào báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ.
Đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, hiện tình trạng tham nhũng phổ biến đến nỗi nhiều người dân phản ánh "đếm được cán bộ huyện, cán bộ tỉnh nào tham nhũng". Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cho thấy các trường hợp bị xử lý quá ít. Năm qua chỉ có 25 người đứng đầu bị xử lý trách nhiệm vì để xảy ra tham nhũng trong đơn vị mình quản lý; trong hơn một triệu bản kê khai tài sản của cán bộ, công chức, cơ quan chức năng chỉ phát hiện ba người không trung thực...
"Tôi cho rằng nên rút các số liệu kiểu như trên ra khỏi báo cáo vì người dân sẽ nói ông làm hời hợt quá. Đây là con số không thể nào tin được, né tránh quá nhiều và cho thấy tổ chức thực hiện ở nơi này, nơi khác quá kém, thiếu bản lĩnh", ông Kim nhận định.
"Ở Trung ương, Tổng bí thư rất quyết liệt trong chủ trì hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng", ông Kim nói. Tuy nhiên, "nhiều cơ quan nói phòng, chống tham nhũng, nhưng anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng, không biết anh nào chống thật và anh nào chống giả".
Đại biểu này cho rằng Việt Nam cần sớm tổ chức đơn vị chống tham nhũng chuyên trách để làm việc hiệu quả hơn, "không bị níu kéo, trì trệ".
Tham nhũng tăng hay giảm?
Đại biểu Dương Trọng Hải thì cho rằng, báo cáo của Chính phủ nhận định tham nhũng ngày càng giảm và dự báo năm 2018 giảm là chưa toàn diện về tình hình hiện nay.
"Báo cáo này cần có nội dung về các vụ án đại án, nhằm phản ánh thực trạng tham nhũng vừa qua", ông Hải đề nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thái Học cũng nêu vấn đề: "Chính phủ nhận định tình hình tham nhũng giảm, nhưng số liệu các vụ án tham nhũng lại tăng so với năm 2016. Về số liệu, các báo cáo khác nhau lại có thống kê khác nhau. Như vậy là tình hình tham nhũng tăng hay giảm?".
Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy, hiện bên cạnh các vụ án lớn, người dân rất bất bình về tình trạng tham nhũng vặt nhưng báo cáo không đề cập đến.
"Giải quyết hậu quả thời gian trước đây"
Giải đáp thắc mắc của đại biểu, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Công an, cho hay các vụ án hình sự đang xử lý đa phần xảy ra cách đây nhiều năm, như vụ Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Trịnh Xuân Thanh...
"Nghĩa là với các vụ án lớn, cơ quan chức năng đều đang giải quyết hậu quả của thời gian trước, do quản lý hạn chế, nhất là các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa nghề. Có hai khái niệm đang phải tập trung giải quyết là lợi ích nhóm, thành lập sân sau", ông Vương nói.
Theo ông Vương, có ba vấn đề cần bàn đến từ các vụ việc nêu trên. Đó là thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả; tính công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan chưa cao; đạo đức công vụ của cán bộ, vấn đề lợi ích nhóm và kiểm toán nội bộ, thanh tra chuyên ngành chưa đạt hiệu quả.
Thứ trưởng Công an cho hay, vừa qua Trung ương họp về phòng, chống tham nhũng cũng chưa nói là đã "giảm". Để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng thì trước hết cần quản lý tài chính tốt, xem xét lại vấn đề đất đai, minh bạch, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đề cao vai trò của các cơ quan báo chí...
Kết thúc phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, báo cáo về phòng chống tham nhũng của Chính phủ chưa kỹ, chưa bám sát tình hình năm nay, kể cả những kết quả từ Trung ương lan tỏa ra các địa phương.
"Trong phòng, chống tham nhũng, Tổng bí thư đã nói không có vùng cấm và không có chuyện hạ cánh an toàn", bà Nga lưu ý.