Ông Lê Thanh Vân, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đặt vấn đề, vừa qua Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng. Việc này có đúng thẩm quyền?
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đại biểu Vân đã chất vấn và ông đã trả lời bằng văn bản. "Trong 3 phút (thời lượng mỗi thành viên Chính phủ trả lời trong phiên chất vấn), tôi không đủ để nói về Đại học Tôn Đức Thắng, vì nếu trả lời nhát gừng rất dễ hiểu lầm. Đây là vấn đề dư luận quan tâm rất lớn", ông Đam nói.
Theo Phó thủ tướng, Chính phủ ủng hộ mô hình tự chủ của trường Đại học Tôn Đức Thắng. Luật Giáo dục đại học đã quy định rất rõ, Hội đồng trường là cơ quan quyền lực của trường, các chức danh lãnh đạo bao gồm hiệu trưởng thì phải do Hội đồng trường quyết và đề nghị cấp có thẩm quyền, trong trường hợp này là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công nhận hoặc phê chuẩn.
Nếu có Hội đồng trường thì việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xử lý Hiệu trưởng trường Tôn Đức Thắng mà không căn cứ vào đề nghị của Hội đồng trường là không đúng luật. Tuy nhiên, Hội đồng của trường Tôn Đức Thắng đã hết nhiệm kỳ và việc kiện toàn Hội đồng trường của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chậm trễ, do cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
"Nhưng tinh thần tôi nhắc lại trường Tôn Đức Thắng là một mô hình tốt, có được trường như ngày hôm nay có thể nói là điểm sáng của giáo dục đại học và của tự chủ đại học, trong đó có sự đóng góp của Đảng, Nhà nước, chính quyền TP HCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tập thể cán bộ giáo viên, Ban lãnh đạo trưởng Tôn Đức Thắng", ông Đam nói.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo phải vào cuộc, lập đoàn công tác do một thứ trưởng dẫn đầu, làm việc trực tiếp để làm rõ đúng sai và có hướng dẫn. Nhiệm vụ đầu tiên là phải thành lập Hội đồng trường.
Tranh luận với Phó thủ tướng, đại biểu Lê Thanh Vân không đồng tình với giải thích về việc Hội đồng trường Tôn Đức Thắng đã bị giải thể nên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải xử lý, cách chức hiệu trưởng. Ông phân tích, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có quyền kỷ luật viên chức mình quản lý, còn chức danh hiệu trưởng phải thực hiện theo luật.
Tranh luận lại với ông Vân, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy nói ý của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời khác với ý đại biểu Lê Thanh Vân hiểu. Trong điều kiện trường Đại học Tôn Đức Thắng chưa có Hội đồng trường thì thẩm quyền kỷ luật Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng là do chủ sở hữu quyết định.
Trường hợp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kỷ luật Hiệu trưởng trường Tôn Đức Thắng là đúng quy định. Tổng Liên đoàn cũng đã có văn bản xin ý kiến Bộ Nội vụ, ngày 21/8 Bộ trả lời về thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ viên chức là người đứng đầu các trường đại học. Văn bản nêu do đến nay Đại học Tôn Đức Thắng chưa có hội đồng trường nên thẩm quyền kỷ luật đối với hiệu trưởng do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định.
Đại học Tôn Đức Thắng, tiền thân là Đại học công nghệ dân lập Tôn Đức Thắng, do Liên đoàn Lao động TP HCM sáng lập và quản lý, sau đó chuyển sang mô hình bán công, rồi công lập và chuyển về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Ông Lê Vinh Danh, 57 tuổi, học vị tiến sĩ, công tác tại trường từ năm 1999. Ông Danh làm Hiệu trường trường từ tháng 7/2007, trước khi bị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cách chức. Ngày 5/11, ông được phân công về khoa Tài chính - Ngân hàng của trường làm công tác giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Danh đã có nhiều vi phạm công tác Đảng và quản lý hành chính, như: duyệt chi hơn 14 tỷ đồng không đúng quy định, sử dụng hơn 10 tỷ đồng tiền lãi từ nguồn cho vay của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trích lập các quỹ không đúng mục đích vay, không phản ánh đầy đủ thông tin trên sổ sách kế toán. Ông Danh còn chỉ đạo mua sắm tài sản gây thiệt hại cho trường 29 tỷ đồng. Ngoài ra, việc chi trả lương cán bộ của nhà trường chưa minh bạch, chênh lệch lớn giữa hiệu trưởng và giảng viên.
Hoàng Thùy - Gia Chính