Ngày 25/12, tại hội nghị toàn quốc về công tác tuyên giáo trong năm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng đội ngũ làm công tác này phải nhanh nhạy hơn trong tình hình công nghệ thông tin và tri thức nhân loại phát triển như vũ bão, tác động tích cực lẫn tiêu cực đến xu hướng vận động của cả xã hội.
Theo ông, trước đây ít ai hình dung đầy đủ về an ninh phi truyền thống, chủ quyền quốc gia trên an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo… Nhưng những vấn đề này đang hiện hữu cụ thể mà ai cũng có thể cảm nhận, bị tác động; ai cũng có thể làm cho nó tốt lên hay xấu đi.
"Lợi thế thuộc về người nhanh nhạy, chiếm lĩnh được công nghệ thông tin", ông Thưởng nhận định và yêu cầu người làm công tác tuyên giáo phải tích cực đổi mới tư duy, đi trước để định hướng tư tưởng chính trị.
Nhấn mạnh những vấn đề phải khắc phục, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết hiện có 60 triệu người sử dụng Internet, 53 triệu người sử dụng Facebook, 23 triệu người sử dụng mạng xã hội Việt Nam.
"Mạng xã hội tác động nhiều, làm con người nhạy cảm hơn, dễ bị tổn thương hơn. Ở một khía cạnh nào nó làm con người vô cảm, nhẫn tâm hơn. Nếu nói nặng nói nhẹ với nhau bên ngoài thì khó, nhưng trên mạng người ta lại sẵn sàng ném đá nhau bằng những từ ngữ mà người báng bổ nhất cũng ngại nói ra", ông Thưởng nhận định.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định ngành chức năng chưa giải quyết nhiều sự việc một cách công bằng giữa trên mạng và đời thực. Ông ví dụ, người cho thuê nhà để người khác bán hàng gian, thì chủ nhà ít nhiều bị liên lụy. Trong khi đó thông tin truyền trên mạng đủ thứ tiêu cực, nhưng nhà mạng vô sự, "bình chân như vại". Cơ quan chức năng thỉnh thoảng có "rờ" đến nhưng "nhẹ như gãi".
Ông cũng yêu cầu đội ngũ tuyên giáo phải rút ngắn thời gian kiểm tra, xác định các thông tin trên mạng xã hội. "Nhiều vấn đề xuất hiện đầy trên mạng nhưng chúng ta lấy lý do bí mật, nhạy cảm nên không dám gửi nhanh cho báo chí... Tôi thấy việc này phải điều chỉnh, thay đổi", ông Thưởng nhấn mạnh.
Ông Thưởng cho hay thường nghe cán bộ than phiền quá nhiều thông tin tiêu cực trên mạng xã hội. Nhưng ông cũng băn khoăn chính việc cán bộ đi tìm kiếm thông tin xấu lại làm phức tạp thêm tình hình.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương gợi ý hàng ngày mỗi cán bộ sử dụng smarphone chia sẻ thông tin tốt, huy động được 10-20% người sử dụng mạng cùng làm công tác tuyên giáo, thì kết quả sẽ tốt hơn.
Tuyết Nguyễn