"10 năm qua, vai trò đầu tàu, động lực vùng của TP HCM sụt giảm rất rõ, tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế thấp. Là cán bộ trưởng thành từ TP HCM, nghiêm khắc nhìn nhận tôi thấy rất đau", ông Thưởng nói tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, sáng 16/1.
Theo ông Thưởng, trước đây nói tới năng động, sáng tạo, đi đầu là TP HCM, nhưng giờ thành phố không bằng nhiều tỉnh khác, dù vẫn là "đầu tàu" kinh tế. Từ khi đất nước thống nhất, Bộ Chính trị đã ban hành 4 nghị quyết về phát triển TP HCM. Trung ương luôn xác định vị trí đặc biệt quan trọng của thành phố, nhưng tổng kết lần nào cũng thấy "có hạn chế". "Kỳ này phải quyết tâm tạo ra bước chuyển thực sự trong thực hiện nghị quyết", ông yêu cầu.
Một điểm yếu khác được Thường trực Ban Bí thư nêu ra là vấn đề suy giảm trong đào tạo nguồn cán bộ cung cấp cho Trung ương. Ông đánh giá TP HCM có thực tiễn sôi động nên cán bộ rèn luyện, trưởng thành từ đây cũng tích luỹ tốt hơn tỉnh khác. Thực tế, có giai đoạn 9 cán bộ đoàn thể TP HCM ra Trung ương cùng một lúc, chỉ trừ hai Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh.
"Giờ tìm không ra. Cơ quan Trung ương còn vất vả suy nghĩ, tìm cán bộ nào tăng cường cho thành phố", ông nói và đề nghị TP HCM sinh hoạt chính trị để nghiên cứu nguyên nhân, tìm cách khắc phục.
Hạ tầng giao thông tại TP HCM cũng là hạn chế lớn mà ông Thưởng đề nghị cần tìm ra nguyên nhân và có giải pháp khắc phục. Ông nêu một loạt dẫn chứng như: Hà Nội bắt đầu làm Vành đai 4, còn TP HCM mới khởi động vành đai 3, còn vành đai 2 chưa được khép kín; quốc lộ 13 đoạn qua Bình Dương đã xong từ lâu, còn phía TP HCM tới giờ chưa mở rộng được; Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) liên tục lùi tiến độ...
Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh Nghị quyết mới của Bộ Chính trị yêu cầu TP HCM thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch, chủ động thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò nòng cốt trong liên kết hạ tầng, tạo không gian phát triển mới cho Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Để giải quyết các vướng mắc trong giao thông cũng như nhiều lĩnh vực khác, ông Thưởng nhấn mạnh vai trò của chính sách vượt trội trong nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Trong đó, sẽ đẩy mạnh phân cấp phân quyền, tạo điều kiện cho TP HCM khai thác hiệu quả tiềm năng, huy động mọi nguồn lực. "Thành phố cần liệt kê rõ cơ chế cần, không ghi chung chung kiểu 'thí điểm theo quy định pháp luật' bởi sẽ phải chờ 'muôn đời'", ông nói.
Tại hội nghị, Bí thư Long An Nguyễn Văn Được nói rằng hạ tầng giao thông là một trong những điểm nghẽn khiến TP HCM chưa phát triển đúng tiềm năng. Do đó, ông kiến nghị Trung ương hỗ trợ thành phố và các tỉnh giải quyết sớm hạn chế này, đặc biệt là các tuyến liên vùng như: Vành đai 3, 4, cùng với đó là hoàn thành cao tốc Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây, khởi công cao tốc TP HCM - Cần Thơ.
Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Thường trực UBND Bình Dương Mai Hùng Dũng đề xuất vùng TP HCM cần thêm đường Vành đai 5 để phát triển đô thị công nghiệp cho giai đoạn tiếp theo. Bởi Bình Dương đầu tư nhanh nên đã lấp đầy các dự án đến đường Vành đai 3 và sẽ phát triển nhanh đến Vành đai 4.
Ông cũng đề nghị sớm kéo giãn hành lang vận tải lên phía Bắc theo Vành đai 4, vòng qua Đồng Nai, kết nối vào cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu. Nhờ đó, luồng vận tải công nghiệp sẽ theo các cao tốc, quốc lộ, rẽ vào tuyến đường này để cung cấp tài nguyên cho Đông Nam Bộ, thay thế các luồng vận tải hiện có.
Lãnh đạo Bình Dương cũng mong Trung ương sớm ban hành cơ chế hỗ trợ TP HCM cũng như vùng hoàn thiện các kết nối đa phương thức, gồm: đường bộ, thuỷ, sắt trong vận tải hành khách cũng như hàng hóa. Trong đó, ưu tiên kết nối đường sắt đô thị (metro) từ trung tâm TP HCM qua các địa phương lân cận để mở rộng không gian phát triển về nguồn nhân lực, dịch vụ, thương mại, du lịch, khoa học công nghệ...
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên cho biết địa phương đã dự thảo chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và sẽ nghiên cứu bổ sung các đề xuất tại hội nghị. Trong đó, thành phố đề ra những hành động cụ thể theo nhiều lĩnh vực như đột phá kết cấu hạ tầng, thu hút nguồn lực, phát triển TP Thủ Đức...
Về phía Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư xây dựng chương trình hành động để thực hiện nghị quyết này.
Thu Hằng