Sáng 29/12, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho biết, kết luận 24 của Bộ Chính trị nêu chủ trương xây dựng, thực hiện cơ chế người đứng đầu đề xuất, chuẩn bị người quy hoạch thay thế mình; người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu để bầu cử, bổ nhiệm cấp phó; thí điểm giao quyền cho bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ cấp ủy.
Thực tế chủ trương này chưa được thực hiện. Vì vậy, ông Thưởng gợi ý Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu thí điểm ở một vài bộ, ngành, địa phương, giao cấp trưởng chọn cấp phó. "Hai năm đánh giá lại, nếu đơn vị đó không tiến bộ, công việc không trôi chảy thì thay luôn cả nhóm, đưa nhóm khác về làm", ông Thưởng nói và cho rằng đề xuất này nhằm đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Ông Thưởng đề nghị cán bộ không đáp ứng yêu cầu công tác cần mạnh dạn thay để thúc đẩy phát triển, đội ngũ đoàn kết, nội bộ thống nhất hơn. Chủ trương thay cán bộ không đáp ứng yêu cầu công tác đã được nêu ra từ lâu. Vấn đề quan trọng là quyết tâm thực hiện ra sao, biện pháp thế nào để lựa chọn cán bộ tốt, thay cán bộ dở và tạo sự thống nhất trong hệ thống.
Theo Thường trực Ban Bí thư, cần tiếp tục chủ trương khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ hoặc thời hạn bổ nhiệm. "Kiên trì thực hiện có vào, có ra, có lên, có xuống", ông nói.
Nhắc lại quan điểm cán bộ chỉ từ chức khi có sức ép từ nội bộ Đảng hoặc tổ chức vì chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ; chịu sức ép từ xã hội, ông Thưởng cho rằng cần có sức ép cần thiết trong Đảng để cán bộ sai phạm từ chức. "Điều này đang dần trở thành hiện thực ở các cấp, giúp công tác cán bộ tốt hơn", ông nói.
Một trong những nhiệm vụ của Ban Tổ chức Trung ương thời gian tới là tham mưu quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ 2026-2031; chuẩn bị thành lập các tiểu ban Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Ban chấp hành Trung ương bầu vào giữa năm 2023 và đánh giá hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII cũng là công việc lớn, phức tạp, cần tập trung cao độ. Vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cần đề cao, nhằm tăng cường niềm tin của người dân. Các chi bộ thường xuyên cảnh báo, giúp đảng viên không mắc sai lầm, kịp thời khắc phục khuyết điểm. Những đảng viên không đủ tư cách sẽ kiên quyết đưa ra khỏi Đảng.
Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đảm bảo chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ, việc này rất cần thiết. Ban rà soát, bổ sung quy hoạch các chức danh cán bộ đảm bảo chất lượng, làm cơ sở cho quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Công tác đánh giá cán bộ cần đổi mới, đảm bảo thực chất, khách quan, chú trọng hiệu quả công việc bằng sản phẩm cụ thể. "Đây vẫn là khâu khó và yếu", Thường trực Ban Bí thư đánh giá và dẫn chứng người ít va chạm, chịu khó quan hệ có thể được nhiều người ủng hộ, phiếu tín nhiệm cao hơn người thường xuyên va chạm trực tiếp và gay gắt.
Đánh giá cán bộ phải góp phần thúc đẩy năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, tránh tình trạng để "cán bộ có tâm lý tròn vo, nước sông không đụng chạm nước giếng, tới thời tới tuổi thì sẽ lên".
Dẫn chứng có trường hợp chủ nhiệm ủy ban kiểm tra địa phương hơn 20 năm công tác nhưng trải qua 16 chức vụ, ông Thưởng đề nghị làm rõ trách nhiệm của các đơn vị trong việc giám sát. Nếu người này năng lực vượt trội, trải qua thử thách thực tiễn, được tín nhiệm cao thì rất tốt. Nhưng trong từng bước làm công tác cán bộ có vấn đề thì đơn vị theo dõi có phát hiện ra, khuyến cáo không?
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh, năm 2022 ngành đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều vấn đề khó từng bước được giải quyết như tổ chức sinh hoạt đảng cho cán bộ cơ sở, chi bộ đặc thù, chi bộ đông đảng viên; bố trí công tác cán bộ bị kỷ luật; giải quyết dứt điểm sai phạm trong tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ... "Kinh nghiệm cho thấy người đứng đầu địa phương, tổ chức gương mẫu, công tâm, khách quan thì công tác cán bộ đạt yêu cầu. Làm sao để cán bộ, đảng viên, nhân dân đặt niềm tin yêu vào đội ngũ cán bộ", bà Mai nói.
Bà Trương Thị Mai cũng chỉ ra nhiều hạn chế như một số vấn đề mới thí điểm chưa thông suốt; một số cán bộ được quy hoạch, bổ nhiệm vi phạm, chất lượng làm việc hạn chế. Có cán bộ tìm cơ hội đưa người nhà, người thân vào đội ngũ lãnh đạo không đúng quy định "gây tâm tư, bức xúc trong nhân dân".