Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: Tuổi Trẻ |
- Thưa ông, từng trải nghiệm qua nhiều sự kiện chính trị lớn của đất nước, ông nghĩ gì về bầu cử lần này?
- Bầu cử Quốc hội khóa XII đang ở một thời điểm rất hiếm có trong lịch sử đất nước: lòng người thuận, bên trong cũng như bên ngoài. Khi bắt đầu quá trình đổi mới, ta được sự ủng hộ ngày càng rộng song cả trong lẫn ngoài vẫn còn không ít hồ nghi.
Bây giờ, VN đã đi đến hội nhập toàn diện, đã là thành viên WTO. Đảng đang có trong tay điều kiện hết sức thuận lợi để nâng cao vị thế lãnh đạo của mình. Đảng đã từng đặt ra yêu cầu phải nắm bắt thời cơ đưa đất nước đi lên cho kịp thiên hạ bằng “huy động sức mạnh dân tộc cùng với sức mạnh thời đại”. Đó chính là cơ hội lúc này và điều ấy hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
- Trước cơ hội như vậy, ông đã kiến nghị gì với các vị lãnh đạo cấp cao?
- Tôi đề nghị nên mở rộng cửa cho ứng cử viên ngoài Đảng và giảm số kiêm nhiệm tối đa. Trong số ứng cử viên đảng viên nên lựa chọn những người có trình độ, kiến thức khoa học và hoạt động thực tiễn trong các lĩnh vực, ở các vùng miền; có điều kiện và thời giờ hoạt động cho Quốc hội đúng với chức trách đại diện cử tri. Theo tôi, đảng viên cũng là công dân, có số do Đảng giới thiệu và cũng có số tự ứng cử, không nên gò bó.
Còn những ứng cử viên ngoài Đảng, nên khuyến khích và ủng hộ tất cả những ai tự thấy có khả năng, có lòng yêu nước chân thành. Những người này có thể chịu hay chưa chịu một số mặt nào đó về quan điểm nhưng chấp nhận đoàn kết, không gây chia rẽ dân tộc bằng nhiều con đường yêu nước khác nhau. Họ có thể là các nhân sĩ tiêu biểu, chức sắc tôn giáo, chuyên gia đầu ngành, những nhà kinh doanh tâm huyết... Đây là cơ hội Đảng huy động rộng rãi trí tuệ tham gia cơ quan quyền lực của nhân dân. Tôi nghĩ nếu Đảng tập hợp được một lực lượng như vậy thì cho dù không chiếm đa số tuyệt đối trong Quốc hội, Đảng vẫn được đa số chấp nhận, ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng. Một đảng cầm quyền mà phát huy dân chủ tốt chứng tỏ là một đảng mạnh.
- Thưa ông, cơ cấu và hiệp thương là một tiến trình, thủ tục được quy định trong bầu cử. Nhưng liệu có nên định lượng và chỉ định rõ đại biểu của từng cơ quan, đơn vị?
- Cách làm này thực chất không phải thay mặt cho giới, cho ngành mà chỉ là đại diện cho các cơ quan của giới, ngành đó. Đó là cách làm lâu nay chúng ta đã quen, ngại thay đổi mặc dù đã có không ít ý kiến đề nghị nên tiêu chuẩn hóa nhằm đảm bảo chất lượng. Vì cách cơ cấu và chỉ định cứng nhắc dễ tạo những trường hợp được chỉ định làm đại biểu Quốc hội chứ chưa chắc đã có đủ khả năng hoặc bản thân người đó chưa sẵn sàng làm đại biểu của dân.
- Kỳ bầu cử này đã có dấu hiệu tích cực khi có rất nhiều người tự ứng cử, trong đó có nhiều doanh nhân, trí thức và cả những cán bộ tâm huyết đã nghỉ việc bên chính quyền, nhưng cũng bắt đầu có một số người rút lui?
- Có nhiều người tự ứng cử là một dấu hiệu tốt. Nhiều người trong số đó có trách nhiệm, có suy nghĩ chín chắn, tâm huyết với dân, với nước. Mặt trận Tổ quốc có trách nhiệm bảo đảm cho họ có cơ hội gánh vác việc nước.
Tôi rất tâm đắc với những người như anh “hội đồng” Khoa ở TP HCM. Anh ấy mới nói tự ứng cử thì đã có biết bao người dân ủng hộ. Chẳng những họ bày tỏ thái độ mà có người làm theo anh bằng cách tự nguyện đứng ra đảm trách những công việc phù hợp với khả năng của mình. Nhưng rất tiếc là anh Khoa đã rút đơn tự ứng cử. Tôi chưa biết nguyên nhân thật sự nên sẽ tìm hiểu kỹ hơn vì sao anh Khoa rút đơn giữa chừng như vậy.
Mấy tháng trước, khi gặp tôi, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển có nói ý định sang Quốc hội. Tôi ủng hộ anh Tuyển tham gia Quốc hội khi thôi làm bộ trưởng vì anh ấy có nhiều kinh nghiệm hoạt động chính trị và còn khả năng cống hiến. Nhưng cũng rất tiếc anh Tuyển đã không ra ứng cử.
Trong khi đó anh Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường) đã nộp hồ sơ tự ứng cử lại bị đề nghị rút tên. Ngay cả hai trường hợp ở Văn phòng QH đều là những người có khả năng nhưng cũng không được ứng cử. Điều này đang gây thắc mắc trong dư luận vì những người đó rất phù hợp với hai yêu cầu là khả năng về chất lượng và tính chuyên nghiệp. Chúng ta vẫn còn thời gian để điều chỉnh.
- Thời ông còn làm lãnh đạo cao cấp cũng có tiếng nói quan trọng trong việc lãnh đạo các kỳ bầu cử, ông thấy có những ứng cử viên được chọn hay không được chọn là do ý kiến cá nhân?
- Cũng có những trường hợp như vậy. Nhưng vấn đề lớn hơn là “khái niệm dân chủ phải có lãnh đạo” được hiểu như thế nào. Do không làm rõ khái niệm chung này nên gần như tùy nhận thức khác nhau, “vui buồn” khác nhau mà lãnh đạo có những mức độ dân chủ khác nhau. Nơi nào muốn chắc được “yên ổn” thành tích thì thường nhân danh lãnh đạo mà siết dân chủ. Đúng ra, muốn có người hiền tài thì trước hết trong Đảng phải có sự lựa chọn dân chủ để giới thiệu người của mình ra ứng cử.
- Nhiều ứng cử viên đang muốn có một cuộc tranh cử thật sự và cử tri cũng muốn được nghe trình bày rõ chương trình hành động của các ứng cử viên. Ông nghĩ thế nào về khả năng đáp ứng điều này ở kỳ bầu cử QH tới?
- Nếu xác định đây là thời điểm bước ngoặt của cả dân tộc thì bầu cử Quốc hội kỳ này phải là một bước đột phá. Ta hoàn toàn có thể nâng vị thế cơ quan quyền lực của dân, vai trò lãnh đạo của Đảng và hoàn toàn có thể tin tưởng người dân chọn ra người tốt cho Đảng. Người ta thường nói rằng lãnh đạo cần có con người bản lĩnh, nhưng tôi cho rằng cũng đơn giản thôi, đó là đòi hỏi lãnh đạo phải còn lửa cách mạng, sát thực tế, sâu sát với dân và dám chịu trách nhiệm.
(Theo Tuổi Trẻ)