"Thông điệp mà chúng tôi gửi tới Đan Mạch rất đơn giản: Các vị chưa làm tốt công việc của mình đối với người dân Greenland. Các vị chưa đầu tư đủ cho người dân Greenland, cũng như cấu trúc an ninh của vùng đất rộng lớn và tuyệt đẹp này", Phó tổng thống Mỹ JD Vance nói trong buổi họp báo tại căn cứ Pituffik, tây bắc đảo Greenland, ngày 28/3.
Tuyên bố được Phó tổng thống Vance đưa ra khi ông cùng vợ lần đầu tiên tới thăm căn cứ Pituffik ở Greenland, hòn đảo mà Mỹ đang muốn sở hữu.
Khi được hỏi về khả năng Mỹ sử dụng vũ lực để sáp nhập hòn đảo, ông nhấn mạnh Washington không cho rằng đó là điều cần thiết. "Chúng tôi nghĩ có thể đạt được thỏa thuận theo phong cách của Tổng thống Donald Trump để đảm bảo an ninh cho vùng đất này cũng như Mỹ", Phó tổng thống Vance nói.
Chuyến thăm căn cứ quân sự Pituffik của ông Vance bị cả giới chức Đan Mạch và Greenland coi là hành động khiêu khích.

Phó tổng thống Vance phát biểu tại căn cứ Pituffik ở Greenland hôm 28/3. Ảnh: AFP
Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen sau đó lên tiếng phản đối, cho rằng phát biểu của ông Vance là "không chính xác".
"Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã sát cánh cùng Mỹ trong những tình huống khó khăn", bà nói, đề cập việc Copenhagen từng triển khai lực lượng trong liên quân do Washington dẫn đầu tại Iraq và Afghanistan.
Thủ tướng Frederiksen cũng nhấn mạnh rằng Đan Mạch luôn sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Mỹ về vấn đề an ninh ở Bắc Cực.
Căn cứ Pituffik là một phần quan trọng trong lưới phòng thủ tên lửa của Washington, do nằm trên tuyến đường ngắn nhất để tên lửa Nga bay tới Mỹ. Trong Chiến tranh Lạnh, căn cứ đóng vai trò là đài cảnh báo sớm về các cuộc tấn công tiềm tàng từ Liên Xô. Nó cũng nằm ở vị trí chiến lược để giám sát hoạt động của máy bay và tàu ngầm ở Bắc Bán cầu.
Tổng thống Trump từng nhiều lần tuyên bố muốn sáp nhập Greenland vào Mỹ và không loại trừ phương án sử dụng vũ lực để làm điều này. Ông chủ Nhà Trắng ngày 28/3 nhắc lại mong muốn trên, khẳng định Washington cần hòn đảo vì "hòa bình thế giới".
"Chúng tôi không nói về hòa bình của Mỹ, mà là hòa bình thế giới và an ninh quốc tế", ông nói.

Vị trí Greenland. Đồ họa: Britannica
Giới chức Đan Mạch và Greenland đều khẳng định hòn đảo "không phải để bán". Kết quả khảo sát hồi tháng 1 cũng cho thấy phần lớn người dân Greenland phản đối sáp nhập vào Mỹ.
Greenland có dân số gần 57.000 người và diện tích khoảng 2,16 triệu km2, nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Bắc Mỹ tới châu Âu. Hòn đảo có nguồn khoáng sản dồi dào, phần lớn chưa được khai thác.
Phạm Giang (Theo AFP)