"Nhiều người nghĩ rằng Việt Nam có gì để mà nói về thành phố thông minh, chỉ những nước phát triển, đã hoàn thành công cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, đang chuyển vào giai đoạn thứ tư mới xây dựng thành phố thông minh", ông Bình nói. "Thực ra ngược lại, khi càng nghèo, kinh tế hạn hẹp, càng phải phát triển thành phố thông minh".
Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) lấy ví dụ trong lĩnh vực giao thông. Tại các nước nghèo, đường xá ít và chật chội, trong khi năng lực quản lý cầu đường kém nên chi phí đầu tư và bảo trì tăng cao.
"Với số tiền giới hạn, cần có những giải pháp thông minh để làm sao nhiều người đi được nhất, ít tắc nhất. Chẳng hạn, hiện đường thường chia làm đôi, dẫn đến tình trạng một bên ùn tắc, một bên thông thoáng. Giải pháp thông minh có thể chia đường làm ba, đảo chiều linh hoạt tùy tình huống", ông Bình cho hay. "Hoặc như tình trạng cầu đường Việt Nam thường bị vượt tải, nên thường xuyên phải bảo trì tốn kém do không có hệ thống quản lý và đo lưu lượng xe hiệu quả. Vì vậy, càng nghèo càng cần giải pháp thông minh để giảm chi phí, tăng hiệu quả đầu tư".
Nhận xét trên được ông Trương Gia Bình nêu trong lễ phát động giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam (Vietnam Smart City Award) chiều 7/9 tại Hà Nội.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng thư ký VINASA, giải thưởng nhằm khuyến khích xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy các sáng tạo công nghệ song hành với sáng tạo về cơ chế, chính sách, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Giải thưởng sẽ nhận hồ sơ đăng ký tham gia đến hết ngày 10/10. Lễ trao giải dự kiến được tổ chức vào ngày 17/11 nhân sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Thành phố Thông minh Việt Nam 2020.