Chính quyền Joe Biden từng ra quy định yêu cầu các cơ quan liên bang loại bỏ dần việc mua nhựa dùng một lần, trong đó có ống hút, để sử dụng trong hoạt động ăn uống, sự kiện, bao bì trước năm 2027, hướng tới loại bỏ hoàn toàn vào năm 2035.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/2 ký sắc lệnh hành pháp đảo ngược quy định này. "Đây là một chính sách nực cười. Chúng ta sẽ quay lại dùng ống hút nhựa", ông Trump nói khi ký lệnh. "Ống hút giấy không hiệu quả. Tôi dùng ống hút giấy nhiều lần rồi, chúng thường xuyên bị vỡ nát khi ngấm nước".
"Sẽ không sao khi tiếp tục dùng ống hút nhựa. Tôi không nghĩ chúng ảnh hưởng nhiều đến cá mập đâu, vì lũ cá mập có thể kiếm mồi khắp đại dương", Tổng thống Mỹ nói thêm.
![Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng, ngày 4/2. Ảnh: AFP](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/12/AFP-20250204-36X796R-v1-HighRe-7931-6075-1739331720.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AUL_TkslgOm9REvKKoR47w)
Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng, ngày 4/2. Ảnh: AFP
Thư ký Nhà Trắng Will Scharf, người trình sắc lệnh cho ông Trump, nói với Tổng thống Mỹ rằng việc thúc đẩy dùng ống hút giấy khiến chính phủ và ngành công nghiệp tư nhân "tốn rất nhiều tiền và không thể làm hài lòng người tiêu dùng trên toàn quốc".
Theo sắc lệnh, các cơ quan liên bang sẽ xem xét lại quy trình mua sắm để cho phép dùng ống hút nhựa, ngừng mua ống hút giấy và "đảm bảo sản phẩm này không còn được cung cấp trong các cơ quan chính phủ". "Đây là vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người Mỹ", ông Scharf nói.
Ông Trump từ lâu chỉ trích các hạn chế nhằm vào ống hút nhựa. Trong nỗ lực tái tranh cử năm 2020, chiến dịch của ông đã bán ống hút nhựa có thể tái sử dụng do "ống hút giấy của 'những người cấp tiến' không dùng được".
Ngành sản xuất nhựa hoan nghênh sắc lệnh mới của ông Trump. "Ống hút chỉ là khởi đầu", Matt Seaholm, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Nhựa Mỹ, cho biết trong một tuyên bố. "'Quay lại với Nhựa' là phong trào mà tất cả nên ủng hộ".
Thế giới đang trải qua tình trạng sản xuất dư thừa nhựa. Sản lượng nhựa hàng năm trên toàn cầu tăng gấp đôi kể từ năm 2000 lên khoảng 460 triệu tấn, dự kiến tăng gấp 4 vào năm 2050.
Theo Guardian, chưa đến 10% lượng rác thải nhựa được tái chế, phần còn lại sẽ thải ra môi trường, tương đương một xe tải chứa đầy nhựa đổ xuống biển mỗi phút. Phần lớn lượng rác thải này là nhựa dùng một lần, chiếm 40% sản lượng nhựa.
Đức Trung (Theo Guardian, AP, AFP)