
Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 22/7. Ảnh: AFP
Tại hội nghị thượng đỉnh về AI ở Washington DC ngày 24/7, ông Trump cho biết từng cân nhắc chia tách Nvidia trước khi tìm hiểu kỹ về CEO Jensen Huang và vị thế thống lĩnh thị trường của công ty.
Ông kể lại cuộc trò chuyện với một cố vấn, người nói việc chia nhỏ Nvidia sẽ rất khó khăn. Ông hỏi: "Tại sao? Ông ta chiếm bao nhiêu phần trăm thị phần?". Cố vấn trả lời: "Thưa ngài, ông ta chiếm 100% rồi". Trump tiếp tục: "Ông ta là ai? Tên ông ta là gì?". Cố vấn đáp: "Tên ông ta là Jensen Huang, Nvidia".
Ông Trump nêu ý tưởng tập hợp những bộ óc vĩ đại cùng làm việc trong vài năm để tạo sự cạnh tranh, nhưng nhận được câu trả lời: "Không, phải mất ít nhất 10 năm để bắt kịp nếu ông ta (Huang) điều hành Nvidia một cách kém cỏi từ bây giờ".
"Sau đó tôi gặp Jensen, và tôi hiểu tại sao", ông kể, nhưng không đề cập thời gian diễn ra cuộc trao đổi trên.
Sau cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng đầu tháng 7, Jensen Huang đã thành công thuyết phục chính quyền Trump dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu chip AI H20 của Nvidia sang Trung Quốc. Theo Fortune, CEO Nvidia đã mất nhiều tháng vận động hành lang để thay đổi chính sách, điều trần trước quốc hội. Ông lập luận rằng việc hạn chế bán chip sẽ gây tổn hại đến vị thế dẫn đầu công nghệ của Mỹ, và sản phẩm được phép bán tại Trung Quốc chỉ là chip AI "tốt thứ tư".
Nvidia thành lập năm 1993 bởi ba kỹ sư Jensen Huang, Chris Malachowsky và Curtis Priem - những người dự đoán khi máy tính phát triển sẽ cần những bộ xử lý đồ họa (GPU) phức tạp. Ván cược được đền đáp vào năm 2000, khi họ giành hợp đồng lớn đầu tiên là sản xuất chip cho máy chơi game Xbox của Microsoft. Khi làn sóng khai thác tiền số diễn ra, công ty lại tiếp tục hưởng lợi nhờ cơn khát card đồ họa.
Tuy nhiên, sự bùng nổ của AI tạo sinh mới thực sự đưa Nvidia thành ngôi sao sáng nhất về phần cứng. Đầu tháng này, họ làm nên lịch sử khi trở thành công ty đầu tiên trên thế giới đạt mốc vốn hóa thị trường 4.000 tỷ USD.
Huy Đức (theo The Verge, Tom's Hardware)