"Bản ghi nhớ này lấy lại chủ quyền và khả năng cạnh tranh kinh tế của quốc gia chúng ta bằng cách làm rõ rằng thuế toàn cầu không có hiệu lực hoặc tác động nào ở Mỹ", nội dung văn bản nêu.
Động thái này đánh dấu việc Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu do chính quyền Biden đàm phán.
Thuế tối thiểu toàn cầu là sáng kiến được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thúc đẩy, nhằm chấm dứt việc cạnh tranh thuế suất giữa các quốc gia và đảm bảo các tập đoàn lớn đóng góp công bằng vào ngân sách.
Thỏa thuận được thống nhất vào tháng 10/2021 bởi gần 140 quốc gia, gồm các nền kinh tế lớn như Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Ấn Độ. Nó cho phép các quốc gia nơi sản phẩm hoặc dịch vụ được tiêu thụ có quyền đánh thuế lên các công ty đa quốc gia lớn, ngay cả khi họ không hiện diện trực tiếp.
Phạm vi áp dụng là các công ty doanh thu từ 750 triệu euro trở lên, với mức thuế tối thiểu 15% trên toàn cầu. Liên minh châu Âu, Anh và nhiều quốc gia khác đã áp dụng. Tuy nhiên, quốc hội Mỹ chưa bao giờ thông qua các biện pháp để nước này tuân thủ thỏa thuận.
Mỹ hiện áp dụng mức thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu khoảng 10%, một phần trong gói cải cách thuế năm 2017 do chính ông Trump thúc đẩy và được đảng Cộng hòa thông qua.
Tuy nhiên, các quốc gia khác áp dụng mức thuế 15%, nghĩa là họ có khả năng sở hữu vị thế để thu một khoản "bổ sung" từ các công ty Mỹ trả mức thuế thấp hơn. Trong bản ghi nhớ vừa ký, ông Trump gọi những hành động như vậy là "trả đũa".
Scott Bessent, người được Tổng thống Trump đề cử làm Bộ trưởng Tài chính tuần trước tuyên bố việc tuân thủ thuế tối thiểu toàn cầu sẽ là "sai lầm nghiêm trọng".
OECD cũng đang tiến hành các cuộc đàm phán về chia sẻ quyền đánh thuế với các công ty đa quốc gia lớn, có lợi nhuận tại nơi sản phẩm của họ được bán. Nỗ lực này nhằm thay thế các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số đơn phương, vốn chủ yếu nhắm vào các công ty công nghệ Mỹ như Facebook, Meta và Apple.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này hầu như bị đình trệ. Và nếu không có sự tham gia của Mỹ, các quốc gia như Italy, Pháp, Anh, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ có thể quay lại khôi phục lại các loại thuế kỹ thuật số đơn phương của họ, làm gia tăng rủi ro ông Trump đáp lại bằng áp thuế trả đũa.
Phiên An (theo Reuters)