"Đây là sự thân thiện, không phải khiêu khích. Chúng tôi đang làm việc với rất nhiều người Greenland muốn thấy họ được bảo vệ và chăm lo đúng cách. Họ mời gọi chúng tôi, không phải chúng tôi mời gọi họ", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ngày 24/3, đề cập kế hoạch thăm đảo Greenland của Đệ nhị phu nhân Usha Vance, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Mike Waltz cùng phái đoàn Mỹ.
"Chúng tôi đã được mời đến thăm. Họ thực sự thích ý tưởng này vì họ phần nào đã bị bỏ rơi. Tôi nghĩ Greenland có thể sẽ thuộc về tương lai của chúng ta. Đó là điều quan trọng khi xét về mặt an ninh quốc tế", ông Trump nói thêm.
Khi phóng viên hỏi ông Trump ai từ Greenland đã mời phái đoàn, Tổng thống trả lời: "Rất nhiều người từ Greenland đề nghị chúng tôi đến đó. Chúng tôi nhận được rất nhiều đề nghị từ rất nhiều người, một số quan chức nữa".

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 20/3. Ảnh: AP
Nhà Trắng trước đó thông báo phái đoàn Mỹ đến Greenland ngày 27-29/3 để tham quan các di tích lịch sử, tìm hiểu về di sản hòn đảo và theo dõi cuộc đua xe trượt tuyết do chó kéo Avannaata Qimussersu. Một quan chức nói ông Waltz và Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright sẽ đến thăm căn cứ quân sự Mỹ trên hòn đảo. Trong cuộc trao đổi với báo chí, ông Trump nói rằng Ngoại trưởng Marco Rubio cũng sẽ đến thăm Greenland.
Thủ hiến sắp mãn nhiệm của Greenland Mute B. Egede chỉ trích chuyến thăm của phái đoàn Mỹ mang mục đích thị uy, "cực kỳ khiêu khích và nguy hiểm". Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cũng nói "không thể coi chuyến thăm này không liên quan đến những tuyên bố ông Trump đã đưa ra".
Từ khi đắc cử cuối năm ngoái, Tổng thống Trump nhiều lần nhấn mạnh ông muốn Mỹ mua lại đảo Greenland từ Đan Mạch, không loại trừ khả năng dùng vũ lực để đạt mục tiêu.
Greenland là đảo lớn nhất thế giới, nằm gần Bắc Mỹ, giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương. Hòn đảo thuộc Đan Mạch, có dân số 57.000 người và diện tích khoảng 2,16 triệu km2, rộng hơn Mexico và gấp hơn ba lần bang Texas của Mỹ.
Hòn đảo nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Bắc Mỹ tới châu Âu, khiến nó trở thành địa điểm chiến lược quan trọng với Washington. Greenland cũng có nguồn khoáng sản dồi dào, phần lớn chưa được khai thác.
Greenland vừa tổ chức bầu cử hồi giữa tháng. Đảng trung hữu đối lập Demokraatit, bên mong muốn Greenland độc lập khỏi Đan Mạch trong tương lai, đã giành chiến thắng và đang trong quá trình thiết lập chính phủ liên minh. Kết quả các cuộc thăm dò cho thấy nhiều người Greenland ủng hộ độc lập nhưng rất ít người muốn sáp nhập Mỹ.
Ngọc Ánh (Theo AFP)