Tờ Wall Street Journal ngày 12/12 dẫn lời các quan chức giấu tên am hiểu vấn đề cho biết Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khẳng định không ủng hộ Ukraine gia nhập NATO, song muốn thấy Kiev "mạnh mẽ và được vũ trang đầy đủ" sau khi xung đột tại nước này kết thúc.
Phát biểu dường như được ông đưa ra trong cuộc gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Paris hôm 7/12.
Ông Trump cho rằng châu Âu nên đóng vai trò chính trong bảo vệ và hỗ trợ Ukraine, đồng thời muốn "binh sĩ châu Âu hiện diện tại nước này" để giám sát lệnh ngừng bắn trong trường hợp Kiev và Moskva đạt thỏa thuận. Tổng thống đắc cử Mỹ không loại trừ khả năng Washington sẽ hỗ trợ động thái trên, nhưng nhấn mạnh quân nhân Mỹ sẽ không đến Ukraine, theo các quan chức.
Ông cũng kêu gọi các nước châu Âu đẩy mạnh nỗ lực thuyết phục Trung Quốc gây sức ép với Nga nhằm chấm dứt xung đột Ukraine. Các lãnh đạo còn thảo luận khả năng sử dụng thuế quan làm công cụ thương lượng nếu Trung Quốc không chấp nhận yêu cầu.
Tổng thống đắc cử Trump và giới chức Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Tổng thống Zelensky hôm 9/12 nhắc lại ý tưởng triển khai binh sĩ châu Âu tới Ukraine do ông Macron đề xuất hồi tháng 2, cho rằng các bên có thể suy nghĩ về quan điểm này vì điều đó sẽ giúp đảm bảo an ninh cho Ukraine. Tổng thống Pháp khi đó không nêu cụ thể điều kiện để thực hiện ý tưởng.
Theo các quan chức giấu tên, những cuộc thảo luận về triển khai binh sĩ châu Âu tới Ukraine vẫn trong giai đoạn sơ khai và còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, như quốc gia nào sẽ tham gia và quân số triển khai, vai trò của Mỹ và liệu Nga có chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn kèm điều kiện lính NATO hiện diện tại Ukraine hay không.
Dù vậy, ý tưởng này đã đạt một số bước tiến trong thời gian qua. Ban đầu chỉ là những cuộc thảo luận bí mật giữa Pháp và Anh, nhưng hiện nay cả ông Trump, Tổng thống Zelensky và lãnh đạo các nước châu Âu đều trao đổi về khả năng triển khai binh sĩ tới Ukraine.
Những quan chức này cho biết mọi quân nhân châu Âu hiện diện tại Ukraine đều phải nằm trong lực lượng gìn giữ hòa bình hoặc giám sát thỏa thuận ngừng bắn, không liên quan tới hoạt động của NATO.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden, nhiều quốc gia châu Âu và bản thân ông Trump đều tuyên bố không muốn xảy ra giao tranh trực tiếp giữa binh sĩ NATO và Nga, do lo ngại làm bùng phát xung đột toàn cầu.
Đức, NATO và một số nước từng lên tiếng phản đối khi ông Macron lần đầu công bố ý tưởng triển khai binh sĩ châu Âu tại Ukraine, song nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn của ông Trump đã giúp các cuộc thảo luận được nối lại, theo WSJ.
Dù vậy, vẫn còn nhiều nghi ngờ về ý tưởng này. Giới chức châu Âu dường như vẫn lo ngại lực lượng của họ ở Ukraine sẽ bị đặt vào tình thế phải đối đầu với quân đội Nga.
Các quan chức Pháp cũng khẳng định phải có sự hỗ trợ nhất định của Mỹ để ý tưởng trên được hiện thực hóa, song chưa thể chắc chắn liệu chính quyền ông Trump có đồng ý hay không. Chưa rõ quốc gia châu Âu nào đủ lực lượng để triển khai tại Ukraine hoặc nhận được hậu thuẫn chính trị trong nước để làm việc này.
Nga nhiều khả năng sẽ phản ứng quyết liệt với kế hoạch cho phép binh sĩ NATO hiện diện ở Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu năm tuyên bố các nước châu Âu thảo luận về khả năng triển khai binh sĩ tới Ukraine "đang làm dấy lên mối đe dọa thật sự về xung đột hạt nhân".
Phạm Giang (Theo WSJ, Reuters)