Quyết định được đưa ra ngày 14/2, chỉ vài giờ sau khi Thượng viện phê chuẩn ông Kennedy làm Bộ trưởng. Ủy ban có tên "The Make America Healthy Again Commission" sẽ bao gồm nhiều quan chức liên bang cấp cao như Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường, Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh.
Việc thành lập ban này báo hiệu hướng đi mới trong chính sách y tế quốc gia, tập trung vào việc giảm tỷ lệ mắc bệnh mạn tính, điều tra các tác nhân tiềm ẩn gây hại trong môi trường, giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần, béo phì và tiểu đường. Theo Nhà Trắng, sáng kiến này nhằm đánh giá những chính sách hiện hành và ảnh hưởng của từng ngành trong hệ thống y tế, đồng thời đưa ra hướng giải quyết mới mẻ đối với vấn đề sức khỏe cộng đồng còn tồn tại.
Kennedy vốn nổi tiếng với quan điểm hoài nghi vaccine và các hoạt động của ngành dược phẩm. Từ lâu, ông ủng hộ tăng cường tính minh bạch trong kiểm định an toàn thuốc. Quyết định bổ nhiệm ông gây ra cuộc tranh luận lớn trong ngành. Những người chỉ trích đặt câu hỏi về lập trường của ông đối với vaccine, trong khi người ủng hộ cho rằng ông có thể giám sát chặt chẽ các ảnh hưởng của siêu tập đoàn dược phẩm lên y tế công cộng.
Việc thành lập ủy ban "Giúp người Mỹ khỏe mạnh trở lại" phản ánh nhiều ưu tiên mà ông Kennedy đã chia sẻ tại phiên điều trần tháng trước. Ông đề nghị tạm dừng nghiên cứu bệnh truyền nhiễm để tập trung nghiên cứu nguồn gốc bệnh mạn tính, dù các nhà khoa học cho rằng hai lĩnh vực này có liên quan chặt chẽ. Ông cũng ủng hộ ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn với phụ gia thực phẩm và hóa chất môi trường, đáp ứng tiêu chuẩn chung châu Âu.
![Ông Kennedy Jr. tại bang Arizona, tháng 8/2024. Ảnh: AFP](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/14/dc60edef-6c12-4241-8e81-857539-6534-4945-1739507587.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ga45KkUGydokXQjuy6_LWQ)
Ông Kennedy Jr. tại bang Arizona, tháng 8/2024. Ảnh: AFP
Sắc lệnh mới kêu gọi tập trung giảm tỷ lệ bệnh mạn tính ở Mỹ, chỉ ra rằng số ca ung thư, béo phì, tiểu đường, hen suyễn và rối loạn phổ tự kỷ đang tăng nhanh. Sắc lệnh nêu rõ: "Người Mỹ ở mọi lứa tuổi mắc bệnh ngày càng nhiều, đều là những căn bệnh hệ thống y tế chưa thể giải quyết hiệu quả. Tình trạng đó gây hại cho cuộc sống, nền kinh tế và cả an ninh".
Sắc lệnh thiết lập chính sách loại bỏ xung đột lợi ích khỏi nghiên cứu y tế do liên bang tài trợ. Ủy ban chủ trương hỗ trợ tìm hiểu "nguyên nhân gốc rễ khiến người Mỹ mắc bệnh", đồng thời hợp tác với nông dân để đảm bảo thực phẩm ở Mỹ "lành mạnh và có giá cả phải chăng nhất thế giới".
Theo sắc lệnh hành pháp, Ủy ban có 100 ngày gửi báo cáo lên Tổng thống về các vấn đề sức khỏe trẻ em. Báo cáo cần đánh giá "mối đe dọa của tình trạng lạm dụng thuốc, phụ gia, hóa chất trong thực phẩm đối với trẻ em" cũng như "số lượt kê đơn thuốc trầm cảm, thuốc chống loạn thần, thuốc ổn định tâm trạng, thuốc kích thích và thuốc giảm cân".
Ủy ban có 180 ngày để đệ trình chiến lược tái cấu trúc phản ứng của chính phủ đối với bệnh mạn tính ở trẻ, "chấm dứt các hoạt động liên bang đã thất bại hoặc làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sức khỏe".
Các bác sĩ và nhà nghiên cứu khắp nước Mỹ tỏ ra lo ngại về việc cắt giảm ngân sách, sau khi Viện Y tế Quốc gia (NIH) đột ngột tìm cách hạn chế nguồn tài trợ gián tiếp. Số tiền này vốn để chi trả thiết bị, bảo trì và nhân sự. NIH giám sát 60.000 khoản tài trợ mỗi năm, hỗ trợ 300.000 nhà nghiên cứu.
Thục Linh (Theo NBC News, Newsweek)