Thất bại của các nhà sản xuất ôtô Mỹ trong việc chiếm lĩnh thị phần đáng kể tại Nhật Bản gây chú ý khi các cuộc đàm phán về thuế quan làm nổi bật những căng thẳng lâu dài. Tổng thống Donald Trump cho rằng các rào cản phi thuế quan đã làm khó các nhà sản xuất Mỹ, trong khi các nhà bình luận Nhật Bản nhấn mạnh kích thước, hiệu suất và giá cả là nguyên nhân khiến các thương hiệu Mỹ ít xuất hiện trên đường phố Nhật.
Đầu tháng này, ông Trump chỉ trích thị trường ôtô Nhật Bản và Hàn Quốc, nói rằng "94% xe ở Nhật Bản được sản xuất tại Nhật. Toyota bán 1 triệu xe ngoại nhập vào Mỹ. Không có công ty nào của chúng ta được phép vào các quốc gia khác".
Mặc dù Nhật không áp thuế quan đối với xe nhập khẩu và phụ tùng từ năm 1978, các hãng xe ngoại vẫn gặp khó khăn trong việc tăng trưởng thị phần. Chỉ 320.789 xe, tương đương 7% tổng doanh số xe tại Nhật Bản, là nhập khẩu trong 2024, theo Hiệp hội đại lý ôtô Nhật Bản (JADA) và Hiệp hội các nhà sản xuất Xe máy và Xe tải nhẹ Nhật Bản.
Tuy nhiên, so với các hãng nhập khẩu khác, các nhà sản xuất ôtô Mỹ bán rất ít xe tại Nhật. Mercedes chiếm 17% và BMW chiếm 11% thị phần nhập khẩu trong năm 2024. Thương hiệu Mỹ đứng đầu là Jeep, thuộc sở hữu Stellantis, chiếm 3%, trong khi Chevrolet và Cadillac của General Motors (GM) lần lượt chiếm 0,18% và 0,14%.

Một chiếc Jeep tại Nhật Bản. Ảnh: XJ Japan
Tesla không tiết lộ doanh số theo quốc gia nhưng được cho là chiếm phần lớn "danh mục khác", với 1,77% nhập khẩu năm 2024 theo dữ liệu của Hiệp hội Nhập khẩu ôtô Nhật Bản (JAIA). Ford đã rút khỏi thị trường Nhật từ năm 2016.
Ngành công nghiệp ôtô của Nhật không chấp nhận rằng sự thống trị của họ là do rào cản gia nhập. Mitsuhiro Kunisawa, một nhà báo ôtô người Nhật và thành viên hội đồng bình chọn Giải thưởng Ôtô của Năm tại Nhật cho biết: "Tôi nghĩ rằng rào cản phi thuế quan không tồn tại ở Nhật". Sự bền bỉ, độ tin cậy và phát triển tỉ mỉ của ôtô Nhật là lời giải thích tốt hơn cho sự thành công của họ.
Tuy nhiên, trong báo cáo hàng năm mới nhất về rào cản thương mại nước ngoài được công bố vào tháng 3, Mỹ liệt kê một loạt khiếu nại mà họ cho rằng gây bất lợi cho các công ty Mỹ như thiết kế trợ cấp cho xe năng lượng sạch và quy định về trạm sạc xe điện.
Sự khác biệt trong kiểm tra an toàn được chú ý đặc biệt. Trong một bài đăng trên tài khoản mạng xã hội hôm 21/4, ông Trump đề cập đến "Tiêu chuẩn kỹ thuật bảo vệ (thử nghiệm thả bóng bowling)" như một ví dụ về "Gian lận phi thuế quan".
Đây không phải lần đầu tiên ông Trump nói đến quả bóng bowling trong thử nghiệm ôtô ở Nhật, dù không có chứng cứ gì về sự tồn tại của bài thử này. Năm 2018, tức trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông cũng từng cáo buộc Nhật Bản sử dụng "bài kiểm tra bóng bowling" để lừa các công ty ôtô Mỹ không thể bán xe cho người tiêu dùng Nhật Bản. Một phát ngôn viên của Nhà Trắng sau đó nói rằng ông Trump nói đùa.
Các nhà sản xuất ôtô Mỹ cũng phàn nàn về lợi thế thuế dành cho dòng kei-car có chiều rộng dưới 1,48 m. Tuy nhiên, tiêu chuẩn này không phải là trở ngại không thể vượt qua đối với những công ty nước ngoài quyết tâm xâm nhập thị trường, khi mà BYD từ Trung Quốc đang có kế hoạch ra mắt mẫu xe mini vào năm 2026.
Sự thành công của kei-car tại Nhật có thể được giải thích do phù hợp với đặc trưng giao thông của quốc gia này. Ít nhất 30% đường phố rộng dưới 3,5 m theo dữ liệu năm 2023 của chính phủ Nhật. Chiều rộng của các dòng xe như Jeep Grand Cherokee và Cadillac Escalade khoảng 2 m khiến việc lưu thông trên những con phố nhỏ hẹp trở nên khó khăn hơn.
Các trở ngại khác cho nhà sản xuất Mỹ bao gồm sở thích sử dụng xe có vô-lăng bên phải và hiệu suất nhiên liệu cao của người dân Nhật. Ví dụ, hiệu suất mẫu SUV Harrier hybrid của Toyota là 4,48 lít/100 km so với Jeep Grand Cherokee bản Limited 4xe là 9,6 lít/100 km. Mẫu xe Mỹ đang ngừng bán tại Nhật do dừng sản xuất phiên bản vô-lăng bên phải.
Giá cả cũng là vấn đề lớn, theo Kunisawa. Ôtô nhập từ Mỹ gồm 5 trong số 13 mẫu mà Jeep và GM tiếp thị tại Nhật "cực kỳ đắt" do đồng yen yếu, hơn 50% so với cùng phân khúc xe Nhật.
Trong khi các nhà phân tích thị trường kỳ vọng đồng yen sẽ mạnh lên, những nỗ lực của ông Trump nhằm củng cố ngành sản xuất của Mỹ bằng cách áp dụng thuế quan có thể làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất ôtô Mỹ. Nhiều xe Mỹ bán tại Nhật hiện được xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và Italy. Việc chuyển sang sản xuất nhiều hơn xe có vô-lăng bên phải cho người tiêu dùng Nhật từ nhà máy ở Mỹ có thể đẩy giá lên cao hơn nữa.
Mỹ Anh (theo Nikkei)