Cuộc đua vào Nhà Trắng đang dần nóng lên, đặc biệt là ở đảng Cộng hòa, khi các ứng viên đang nỗ lực để giành đề cử của đảng. Cuộc họp kín của bang Iowa vào ngày 15/1 sẽ là phát súng đầu tiên cho vòng bầu cử sơ bộ. New Hampshire sẽ tổ chức bỏ phiếu sau đó một tuần.
Các cuộc thăm dò gần đây chỉ ra cựu tổng thống Donald Trump là ứng viên sáng giá nhất của đảng Cộng hòa, khi ông liên tục bỏ xa các đối thủ khác như cựu thống đốc bang Nam Carolina Nikki Haley hay Thống đốc Florida Ron DeSantis.
Đối với nhiều cử tri Cộng hòa, ông Trump là người có thể quản lý tốt nền kinh tế, mối quan tâm hàng đầu của họ. Cuộc khảo sát mới nhất của FT-Michigan Ross cho thấy rõ điều này.
Cuộc thăm dò được thực hiện bởi các chiến lược gia đảng Dân chủ thuộc công ty Global Strategy Group và công ty thăm dò North Star Opinion Research của đảng Cộng hòa. Họ đã khảo sát khoảng 1.000 cử tri trên khắp nước Mỹ trong khoảng thời gian 28/12-2/1.
Kết quả khảo sát chỉ ra 2/3 cử tri đảng Cộng hòa nói rằng họ tin tưởng ông Trump hơn bất kỳ ứng viên nào khác của đảng trong việc điều hành nền kinh tế Mỹ. Trong khi khoảng 67% người ủng hộ Trump, bà Haley và ông DeSantis chỉ nhận được tín nhiệm lần lượt từ 8% và 9% người tham gia khảo sát.
Cuộc thăm dò mới nhất về kinh tế phản ánh ưu thế dẫn đầu của ông Trump trong các ứng viên Cộng hòa trước thềm vòng bầu cử sơ bộ. Hơn một nửa cử tri tham gia cuộc họp kín ở bang Iowa và 44% cử tri đảng Cộng hòa ở bang New Hampshire dự kiến ủng hộ ông Trump.
Thống đốc DeSantis về thứ hai trong cuộc thăm dò ở bang Iowa với 18,4%, trong khi vị trí này ở bang New Hampshire thuộc về bà Haley với 25,7%.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã ca ngợi sức mạnh của nền kinh tế Mỹ khi ông còn ở Nhà Trắng và nhấn mạnh "cuộc bùng nổ kinh tế tiếp theo" sẽ bắt đầu ngay khi ông được bầu làm Tổng thống Mỹ vào tháng 11.
Bà Haley, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc dưới thời ông Trump, đang dựa vào uy tín về chính sách đối ngoại khi vận động tranh cử. Bà xây dựng hình ảnh người bảo thủ về tài chính (giảm thuế, giảm chi tiêu của chính phủ) và đổ lỗi tình trạng lạm phát hiện nay là do hàng tỷ USD chi tiêu liên bang dưới thời ông Trump và Tổng thống Joe Biden.
DeSantis tuyên bố sẽ cắt giảm thuế nếu được bầu và đề xuất một mức sàn thuế thu nhập liên bang cho tất cả người dân Mỹ.
Tuy nhiên, những hứa hẹn của họ dường như không mang lại hiệu quả khi ông Trump vẫn duy trì khoảng cách xa trong các cuộc thăm dò.
Bà Haley đã tập trung vào chiến dịch tranh cử ở bang New Hampshire, nơi các cử tri độc lập chiếm một phần đáng kể trong số cử tri sơ bộ của đảng Cộng hòa. Song khảo sát của FT-Michigan Ross chỉ ra hơn 1/3 số cử tri độc lập tham gia khảo sát nói rằng họ tin tưởng ông Trump về lĩnh vực kinh tế.
Tỷ lệ tín nhiệm dành cho bà Haley trong nhóm này là khoảng 10%. Khoảng 1/4 cử tri độc lập cho biết họ không tin tưởng bất kỳ ứng viên Cộng hòa nào về điều hành nền kinh tế Mỹ.
"Nhiều cử tri Cộng hòa và một số cử tri Dân chủ vẫn nhớ nền kinh tế dưới thời ông Trump tốt hơn hiện tại", Erik Gordon, giáo sư Trường Kinh tế Ross thuộc Đại học Michigan, nói.
Dưới thời Trump, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất trong nửa thế kỷ là 3,5% vào đầu năm 2020, ngay trước đại dịch. Trong nhiệm kỳ của Biden, nó thậm chí giảm hơn nữa, xuống còn 3,4% đầu năm nay, và hiện ở mức 3,7%.
Tuy nhiên, lạm phát là thách thức dai dẳng với chính quyền Biden. Giá cả tăng nhanh sau đại dịch dẫn đến lạm phát cao nhất trong hơn 40 năm. Người Mỹ đối diện chi phí tăng với hầu hết mọi thứ, từ hàng tạp hóa, xăng, ôtô đến chăm sóc sức khỏe.
Trong 4 năm nhiệm kỳ của ông Trump, mức giá nhà trung bình toàn quốc cao nhất được ghi nhận là gần 350.000 USD, trong khi mức này ở thời ông Biden là gần 500.000 USD.
Dưới thời ông Biden, những trục trặc liên quan đến đại dịch, cuộc chiến ở Ukraine và nhu cầu tăng đột biến khiến giá xăng tăng chóng mặt kể từ năm 2020. Giá xăng tăng hơn gấp đôi từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2022, từ 1,84 USD lên 4,11 USD một gallon (3,78 lít).
Tổng thống Biden đang sử dụng Bidenomics để làm bàn đạp tranh cử. Đây là chương trình nghị sự với hàng tỷ USD cho đầu tư công, tập trung vào lao động có thu nhập tầm trung, nỗ lực phục hưng "Vành đai Rỉ sét".
Vành đai Rỉ sét là thuật ngữ được dùng để chỉ các bang vùng Trung Tây Mỹ từng là những "cỗ máy công nghiệp" hùng mạnh của nước Mỹ nhưng chứng kiến tình trạng suy thoái từ năm 1980. Vành đai này bắt đầu ở vùng trung tâm bang New York, vắt qua các bang phía tây như Pennsylvania, Ohio, Maryland, Indiana và Michigan, kết thúc ở phía bắc Illinois, phía đông Iowa và đông nam Wisconsin.
Nhà Trắng ca ngợi số việc làm kỷ lục tạo ra dưới thời ông Biden, khẳng định "năm 2023 là năm tuyệt vời đối với lao động Mỹ". Tuy nhiên, phần lớn công chúng Mỹ, gồm nhiều cử tri da màu và người trẻ, lại thấy một thực trạng khác. Họ chỉ ra thu nhập không đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu như nhu yếu phẩm, ôtô, nhà ở, chi phí chăm sóc trẻ em và người già.
Khảo sát của FT-Michigan Ross cho thấy chỉ 38% cử tri ủng hộ cách xử lý nền kinh tế của ông Biden, song có tới 60% phản đối. 85% người được hỏi nói rằng giá cả tăng là một trong những vấn đề đau đầu của họ, trong khi khoảng hơn 50% đề cập tới vấn đề thu nhập.
Ông Trump đã chỉ trích Bidenomics trong các phát biểu gần đây, đổ lỗi cho Tổng thống Mỹ về "thảm họa lạm phát". "Chỉ cần tự hỏi chính mình rằng bạn có cuộc sống khá giả hơn cách đây 5 năm không? Hay bạn cảm thấy cuộc sống hiện tại tốt hơn giữa lạm phát, với thịt xông khói cao gấp 4 lần cách đây ít lâu? Chưa ai từng thấy bất kỳ điều gì như vậy", ông Trump nói trong chiến dịch vận động ở Waterloo, bang Iowa hồi tháng 12.
Lạm phát ở Mỹ đã giảm hơn nửa trong năm qua xuống khoảng 3,1% vào tháng 11/2023, song hơn 50% người tham gia khảo sát nói họ cảm thấy giá cả tăng nhanh hơn mức đó.
"Khi ông ấy làm tổng thống, đất nước chúng tôi đã có những thay đổi rất lớn. Nó làm tôi nhớ lại những ngày dưới thời Ronald Reagan", Marie Freudenberg, cử tri bang New Hampshire, nói về ông Trump.
Ông Reagan từng được bình chọn là "người Mỹ vĩ đại nhất", với hai nhiệm kỳ tổng thống từ năm 1981 tới 1989 chứng kiến sự phát triển thịnh vượng của nền kinh tế Mỹ.
Trong các cuộc vận động, ông Trump không ngần ngại chia sẻ về các mục tiêu của mình nếu tái đắc cử, đồng thời tăng cường tham vấn với các cựu quan chức từng làm việc trong chính quyền của ông và gặp các chuyên gia từ những trung tâm nghiên cứu cánh hữu về chính sách điều hành đất nước tương lai. Trong đó, kinh tế là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Ông Trump dự kiến tăng cường chính sách thương mại đối đầu được thiết lập trong nhiệm kỳ đầu tiên, hứa hẹn áp thuế quan đối với hầu hết hàng hóa nhập khẩu. Hồi tháng 8 năm ngoái, ông Trump nói thuế có thể ở mức 10%.
Stephen Moore, cựu cố vấn kinh tế của ông Trump và hiện trong nhóm định hình chương trình nghị sự năm 2024 của cựu tổng thống, nói rằng chính sách thuế quan sẽ cản trở các nhà sản xuất nước ngoài và khiến ngành công nghiệp trong nước Mỹ trở nên cạnh tranh hơn. Chính sách này sẽ tạo thêm việc làm và thúc đẩy sản xuất ở Mỹ.
"Ông Trump muốn có nhiều việc làm ở Mỹ. Ông ấy cũng muốn hàng hóa được sản xuất tại Mỹ", Moore nói.
Doanh thu từ các đòn thuế quan lớn với hàng nhập khẩu sẽ cho phép chính quyền của ông Trump giảm thuế cho các cá nhân và công ty Mỹ, theo chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống.
Ông Trump từng cam kết gia hạn đạo luật cắt giảm thuế đã thông qua trong nhiệm kỳ đầu khi nó dự kiến hết hạn vào năm 2024, theo Moore.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho lo ngại gia hạn đạo luật cắt giảm thuế năm 2017 sẽ làm thâm hụt thêm hàng nghìn tỷ USD ngân sách của Mỹ.
Ngoài thuế, ông Trump cũng cam kết cắt giảm chi phí năng lượng và điện cho người dân Mỹ bằng cách tăng sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước. Ông cũng dự định giảm thuế cho các nhà sản xuất dầu, khí đốt và than đá.
Cựu tổng thống còn muốn bỏ phần lớn Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 369 tỷ USD, vốn được xem là biện pháp bảo vệ khí hậu lớn nhất trong lịch sử Mỹ với các ưu đãi cho dự án năng lượng sạch và mua xe điện.
Tuy nhiên, Alan Blinder, giáo sư kinh tế tại Đại học Princeton và từng là thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời cựu tổng thống Bill Clinton, hoài nghi về kế hoạch mở rộng sản xuất nhiên liệu hóa thạch, vốn là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Giáo sư cho rằng chính sách kinh tế nên cân bằng giữa năng suất và mối quan tâm về môi trường.
"Một nguyên tắc cơ bản của thuế là áp với những lĩnh vực xấu và giảm với những lĩnh vực tốt. Tôi không thấy điều đó trong việc giảm thuế với ngành nhiên liệu hóa thạch", ông nói.
Thanh Tâm (Theo FT, ABC News, NY1)