Tổng thống Trump đang tiếp tục thúc đẩy chính sách "Mua hàng Mỹ". Hôm qua, ông thông báo kế hoạch sẽ phát động chiến dịch này một lần nữa tại Wisconsin. Tuy nhiên, thực tế đáng báo động là người Mỹ không chi nhiều tiền để mua sắm và không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Doanh số bán lẻ theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ và khảo sát xu hướng tiêu dùng tại đây cũng chứng minh điều này.
Hồi đầu tháng, hãng thời trang nổi tiếng dành cho giới nhà giàu Mỹ - Ralph Lauren thông báo sẽ dừng hoạt cửa hàng quan trọng nhất tại đại lộ Số 5 (New York) và nhiều chi nhánh khác trong thời gian tới vì doanh số quá ảm đạm.
Xu hướng tiêu dùng này ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế lớn nhất thế giới, đóng góp khoảng 70% GDP. Công ty tư vấn Macroeconomic Advisers và Cục dự trữ liên bang Atlanta ước tính Mỹ đã tăng trưởng chậm trong 3 tháng đầu năm với tốc độ khoảng 0,5%. Con số thấp hơn khá nhiều so với cam kết của Tổng thống Trump.
Từ khi đắc cử, ông Trump thường xuyên đề cập đến việc người Mỹ cần tin tưởng vào nền kinh tế nước mình. Theo một số cuộc khảo sát, người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả các nhà đầu tư đúng là đang cảm thấy lạc quan hơn rất nhiều. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa kích thích họ mua sắm nhiều hơn.
Kate Warne - chuyên gia đầu tư dài hạn của Edward Jones nhận định đây là thời kỳ của "sự lạc quan hoài nghi". "Mọi người lạc quan hơn, nhưng họ lạc quan theo cách nghi ngờ. Tôi không nghĩ họ tin rằng mọi thứ sẽ thay đổi nhiều như kỳ vọng", ông nói thêm. Người Mỹ đang trong trạng thái "chờ đợi và quan sát".
Những "dữ liệu mềm" dựa trên các cuộc gọi tới người tiêu dùng và lãnh đạo các doanh nghiệp cho thấy sự lạc quan. Tuy nhiên, "dữ liệu cứng" về chỉ số tiêu dùng và kinh doanh đang đặt ra rất nhiều vấn đề. Tháng trước, thị trường chứng khoán Mỹ đã bắt đầu sụt giảm. Trong khi, nhà đầu tư có nhu cầu mua tài sản trú ẩn, như trái phiếu Chính phủ và vàng.
Các nhà đầu ở phố Wall cũng đang trong trạng thái "chờ xem". Tháng trước, ông Trump đã thất bại trong việc đưa ra dự luật chăm sóc sức khoẻ mới. Tổng thống Mỹ sẽ mất thời gian dài để chỉnh sửa và hoàn thiện dự luật này. Nhà kinh tế cấp cao Sam Bullard tại Wells Fargo cho biết: "Khi nào các sáng kiến chính sách kinh tế trở nên rõ ràng hơn, chúng tôi sẽ thay đổi dự báo kinh tế".
Có lẽ niềm hy vọng phục hồi lớn nhất cho ông Trump là mùa xuân sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm trở lại. Công ty tư vấn Macroeconomic Advisers dự báo mức tăng trưởng 3,6% trong quý II năm nay. Tuy nhiên, họ cho rằng điều này không đủ để Donald Trump chứng minh ông điều hành nền kinh tế tốt hơn cựu Tổng thống Obama.
Chuyên gia Warne đánh giá đây là mức tăng trưởng khiêm tốn, không có gì đáng ngạc nhiên. "Chúng tôi hy vọng tăng trưởng kinh tế năm 2017 sẽ mạnh mẽ hơn 2016", ông nhấn mạnh.
Tổng thống và Quốc hội Mỹ sẽ phải giải quyết các vấn đề thuế, đồng thời tránh mắc phải những sai lầm về thương mại hoặc chính sách đối ngoại. Ngay cả khi đó, sự lạc quan cũng khó có thể biến thành lực đẩy lớn như nhiều người mong muốn.
Anh Tú (theo CNN)