Theo quy trình tố tụng ở Mỹ, sau khi cáo trạng được nộp lên tòa, bị cáo sẽ trình diện lần đầu để nghe đọc các quyền và cáo buộc nhằm vào họ. Trong quá trình này, bị cáo bị bắt, lấy dấu vân tay và chụp ảnh danh bản (ảnh chân dung bị cáo được cảnh sát chụp để lưu hồ sơ). Bị cáo được lựa chọn "nhận tội" hoặc "không có tội" với mỗi cáo buộc và thẩm phán sẽ quyết định bị cáo bị giữ hay được tại ngoại.
Cựu tổng thống Donald Trump có vị thế rất đặc biệt, nên rõ ràng ông ấy không cần phải chụp ảnh danh bản, Alina Habba, luật sư kiêm người phát ngôn của ông Trump, ngày 13/6 trả lời câu hỏi của CBS News về việc ông Trump có bị còng tay, chụp ảnh khi trình diện tòa án liên bang ở Miami, bang Florida, hay không.
"Ông ấy không phải người có ý định bỏ trốn. Ông ấy đang là ứng viên hàng đầu của đảng Cộng hòa. Ông ấy đang trải qua một quy trình được phối hợp với Mật Vụ và mọi thứ đều sẽ được giải quyết suôn sẻ", bà Habba bổ sung.
Trước đó, NBC News dẫn lời một quan chức liên bang cho biết họ không chụp ảnh danh bản ông Trump, mà sử dụng một ảnh sẵn có để lưu lên hệ thống nội bộ. Công chúng sẽ không được tiếp cận hệ thống này. Ông Trump được lấy vân tay bằng thiết bị số, không sử dụng mực. Cựu tổng thống cũng cần cung cấp thông tin cá nhân khác như số điện thoại, địa chỉ, số an sinh xã hội.
Trong hệ thống tòa án liên bang, máy quay không được phép đặt trong phòng xét xử và nếu có chụp ảnh chân dung bị cáo, chúng không được công bố, Rikki Klieman, nhà phân tích pháp lý của CBS News, cho biết. Điều này lý giải vì sao không có hình ảnh ông Trump tại tòa.
Quy trình tương tự đã được áp dụng khi ông Trump trình diện tòa án bang New York trong vụ truy tố liên quan cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền ém thông tin bất lợi trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Ông Trump không bị còng tay và không bị áp giải trước công chúng. Điểm khác biệt là máy quay được phép bố trí trong phòng xét xử.
Ông Trump cùng các luật sư đã vào phòng xét xử tòa án liên bang ở Miami lúc gần 15h ngày 13/6 (2h ngày 14/6 giờ Hà Nội). Ông ngồi im lặng trong khi luật sư Todd Blanche đại diện thân chủ khẳng định vô tội trước các cáo buộc
Ông Trump sau đó được phép rời tòa, không bị áp hạn chế đi lại hay phải nộp tiền bảo lãnh. Tuy nhiên, thẩm phán chủ trì buổi đọc cáo trạng Jonathan Goodman yêu cầu ông không được liên lạc với các nhân chứng tiềm năng trong vụ kiện.
Tòa chưa ấn định thời điểm xét xử vụ kiện. Giới chuyên gia cho rằng quá trình xét xử có thể bị trì hoãn hơn một năm do tính phức tạp của tài liệu mật. Trong thời gian này, ông Trump được phép vận động tranh cử và có thể nhậm chức nếu chiến thắng.
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 9/6 công bố cáo trạng 49 trang, trong đó có 37 cáo buộc liên quan cuộc điều tra ông Trump giữ trái phép tài liệu mật ở tư dinh. Với cáo buộc này, ông Trump trở thành cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố cấp liên bang.
Nếu bị kết tội theo Đạo luật Gián điệp Mỹ, cựu tổng thống khó tránh nguy cơ lĩnh án tù với mức tối đa là 20 năm. Phe Cộng hòa coi đây là động thái nhằm cản bước cựu tổng thống trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Như Tâm (Theo CBS News, NBC)