"Hải quân và các tàu thương mại của Mỹ đã bị đối xử bất công. Các khoản phí mà Panama đang áp dụng thật nực cười, đặc biệt khi ai cũng biết tới sự hào phóng mà Mỹ đã dành cho họ", Tổng thống đắc cử Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 21/12.
Mỹ là bên xây dựng kênh đào Panama và quản lý lãnh thổ xung quanh kênh đào này suốt nhiều thập kỷ. Chính phủ Mỹ bàn giao toàn bộ quyền quản lý kênh đào cho Panama năm 1999, sau thời gian hai bên đồng quản lý.
"Kênh đào được trao lại không phải vì lợi ích của bên khác, mà đơn thuần là biểu tượng hợp tác giữa Mỹ và Panama. Nếu các nguyên tắc về đạo đức lẫn pháp lý của hành động hào phóng này không được tuân thủ, chúng tôi sẽ yêu cầu trả lại kênh đào Panama cho nước Mỹ một cách toàn diện, không cần thắc mắc", ông cho hay.
Bài viết của Tổng thống đắc cử Trump là lần hiếm hoi mà một lãnh đạo Mỹ để ngỏ khả năng buộc quốc gia có chủ quyền bàn giao lãnh thổ, đồng thời làm nổi bật sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của Mỹ trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, người từng nhiều lần gây sức ép với các đồng minh và đối tác.
Kênh đào Panama dài 82 km, là tuyến đường tắt kết nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, rút ngắn đáng kể hành trình giữa hai khu vực và cho phép tàu thuyền không phải vòng qua tuyến đường dài, nguy hiểm quanh cực nam Nam Mỹ.
Khoảng 5% lưu lượng hàng hải toàn cầu đi qua kênh đào Panama mỗi năm. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia sử dụng tuyến hàng hải này nhiều nhất. Ban quản lý kênh đào Panama hồi tháng 10 thông báo doanh thu năm tài chính 2024 đạt mức kỷ lục gần 5 tỷ USD.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)